Dân Việt

Nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ tăng cao, nhiều 'ông lớn' lên kế hoạch mở rộng thị trường

Hồng Trâm 25/07/2022 11:30 GMT+7
Mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM sẽ nhanh được lấp đầy bởi nhiều khách thuê có tài chính tốt luôn có nhu cầu tìm kiếm mặt bằng để mở rộng hoạt động kinh doanh, trên đà phục hồi kinh tế chung của thành phố.

Tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ tăng

Thị trường bán lẻ bắt đầu ghi nhận các tín hiệu phục hồi khi tỷ lệ lấp đầy lẫn giá thuê mặt bằng đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.

Ghi nhận của PV Dân Việt, mặt bằng cho thuê tại khu vực trung tâm TP.HCM đã nhộn nhịp, sôi động trở lại. Các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng (quận 1), Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận)… luôn sầm uất, các cửa tiệm buôn bán tấp nập khách hàng. Nhiều mặt bằng được khách thuê tiến hành sửa chữa tân trang để chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh mới.

Chị Đào Thị Ánh (chủ chuỗi cơ sở chăm sóc sắc đẹp) chia sẻ, 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, chính sách phong tỏa,… đã làm hoạt động kinh doanh Spa của ngưng trệ khi phải đóng cửa thường xuyên. "Hiện tại, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế thị trường phát triển… nhu cầu làm đẹp tăng lên, là thời điểm tốt để tôi thu hút khách hàng. Bởi vậy, tôi vừa thuê thêm mặt bằng ở đường Phan Đinh Phùng (quận Phú Nhuận) để mở thêm cơ sở kinh doanh làm đẹp thứ 4 trong hệ thống", chị Ánh cho hay.

TP.HCM: Nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ tăng cao - Ảnh 1.

Mặt bằng bán lẻ khôi phục sau dịch. Ảnh: H.T

Không riêng gì ngành làm đẹp, các lĩnh vực như thời trang, F&B, bán lẻ, y tế... cũng đang chứng kiến sự hồi phục. Theo Cushman & Wakefield, quý 2/2022 cho thấy toàn TP.HCM không có thêm nguồn cung bán lẻ mới trong quý, tổng nguồn cung vẫn ổn định ở mức khoảng 1,1 triệu m2. Tỷ lệ trống được ghi nhận ở mức 5,1%, giảm 0,4% so với quý trước, cho thấy thị trường mặt bằng bán lẻ đang dần khôi phục sau chuỗi ngày bị bỏ trống.

Các chuyên gia Cushman & Wakefield dự báo, những vị trí mặt bằng còn trống sẽ nhanh được lấp đầy bởi phần lớn các khách thuê trong ngành thời trang, vẫn cần mở cửa hàng trưng bày để thu hút khách đến trải nghiệm. 

Bên cạnh đó, hững khách thuê có tình trạng tài chính tốt qua đợt dịch năm 2021 cũng luôn có nhu cầu tìm kiếm mặt bằng tốt để mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này giúp các chủ nhà tự tin hơn và đang có kế hoạch giữ nguyên hoặc nâng cao giạn thuê. Tính đến quý 2/2022, giá chào thuê trung bình toàn thị trường đạt 49 USD/m2/tháng, tăng 4% so với năm 2021.

Theo báo cáo của Tổng Cục Du lịch, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng mạnh, đạt khoảng 117 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Một tín hiệu đáng mừng cho ngành bán lẻ là lượng khách du lịch quốc tế quý này tăng gần gấp 7 lần so với năm ngoái, đạt 600.000 ngàn người. Đối với thị trường nội địa ghi nhận 60,8 triệu lượt khách, điều này thể hiện tiềm năng thị trường trong nước vẫn còn dư địa rất lớn, với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, giúp đẩy mạnh nhu cầu du lịch và mua sắm trong người dân.

Kế hoạch mở rộng thị trường của nhiều "ông lớn"

Nghiên cứu của Cushman & Wakefield, một loạt các "ông lớn" nước ngoài đã khai trương thêm cửa hàng hoặc thông báo kế hoạch mở rộng quy mô tại TP.HCM. Đơn cử, cuối tháng 4 vừa qua, Uniqlo đã tổ chức sự kiện khai trương cửa hàng mới rộng đến 3.000m2 tại Saigon Centre, thu hút đông đảo khách hàng đến tham dự và trải nghiệm.

TP.HCM: Nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ tăng cao - Ảnh 3.

Các lĩnh vực như thời trang, F&B, bán lẻ, y tế... có nhu cầu mở rộng kinh doanh. Ảnh: H.T

Một nhà bán lẻ ngoại được giới trẻ ưa thích khác là Muji, tiếp tục thừa thắng xông lên với cửa hàng thứ 4 tại Cresent Mall quận 7, bên cạnh cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. AEON cũng đã có kế hoạch mở rộng chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ, lên đến 100 cửa hàng MaxValu vào cuối năm 2025, và tăng từ 6 trung tâm thương mại hiện tại lên 16 trung tâm thương mại tương lai.

Bên cạnh sự mở rộng của khối ngoại, một xu hướng mới đang nở rộ là việc hình thành hệ sinh thái đa ngành của các chủ đầu tư bất động sản nội địa, trong đó có ngành ăn uống và hàng tiêu dùng để cung cấp dịch vụ và sản phẩm thiết yếu cho khách hàng là cư dân, nhân viên văn phòng nội khu. Nhờ đó, thay vì để trống diện tích bán lẻ trong dự án và chờ khách thuê đến, chủ đầu tư giờ đây có thể tự lấp đầy và vận hành dãy nhà phố hoặc khối đế thương mại.

Có thể nói, thị trường bán lẻ đã qua rồi thời thương hiệu nội hay ngoại, mà doanh nghiệp bán lẻ nào nhanh tay hơn và có chiến lược trong việc tập trung vào trải nghiệm của khách hàng sẽ giành chiến thắng.

TP.HCM: Nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ tăng cao - Ảnh 4.

Thị trường bán lẻ được kỳ vọng sẽ năng động hơn trong những năm sắp tới. Ảnh: H.T

Bà Trang Bùi - CEO Cushman & Wakefield cho rằng, sự phát triển của mạng xã hội và dịch vụ quảng cáo đi kèm cũng giúp thương hiệu giảm được áp lực tìm được mặt bằng đẹp, vị trí trung tâm để quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, đối với các nhà bán lẻ đã có chỗ đứng trên thị trường như Zara và H&M, đang chú trọng mở nhiều cửa hàng nhỏ phục vụ cư dân trong một khu vực bên cạnh duy trì cửa hàng flagship ở vị trí trung tâm.

 Khách hàng Việt tuy đã có thời gian làm quen với việc mua hàng online, họ vẫn sẵn sàng đến cửa hàng để được trải nghiệm sản phẩm trực tiếp. Có thể thấy, mặt bằng bán lẻ vẫn có chỗ đứng không thể thay thế được trong mô hình bán lẻ đa kênh.

Đến cuối năm nay, Cushman & Wakefield ước tính có 98.000m2 trung tâm thương mại gia nhập khu Đông và Tây TPHCM. Thị trường bán lẻ được kỳ vọng sẽ năng động hơn trong những năm sắp tới, khi mà ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế đến với thị trường Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tự tin hơn khi thuê lại mặt bằng hoặc bắt đầu thuê mới. Đây cũng là cơ hội để tiếp tục mở rộng thị trường và tăng doanh thu thông qua kênh bán lẻ truyền thống.