Nhờ đôi bàn tay khéo léo, Tùng đã biến rác thành những sản phẩm trang trí được nhiều người yêu thích, mang lại nguồn thu nhập khá cao.
Xuất thân trong gia đình làm nghề vàng mã, từ nhỏ Tùng đã được tiếp xúc nhiều và trở nên yêu thích công việc cắt, dán thủ công. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Tùng không theo đường học vấn như bè bạn mà quyết định ở nhà phụ việc giúp cha mẹ.
Tùng chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết nên cần sự tập trung và khéo léo. Thời điểm COVID-19 bùng phát, lúc đó, em rảnh rỗi nên đã tìm hiểu làm mô hình tiểu cảnh để trang trí cho bể thủy sinh ở nhà.
Khi em làm xong sản phẩm đầu tay, em thấy hài lòng nên chia sẻ hình ảnh lên facebook cá nhân. Từ bài đăng này, em nhận được nhiều sự quan tâm, động viên và có những đơn đặt hàng đầu tiên”. Dần dần, người biết đến sản phẩm của Tùng ngày một nhiều hơn. Để thu hút khách hàng, Tùng học tập, tham khảo thêm các mô hình trên internet để đa dạng mẫu mã sản phẩm.
Đối với những mô hình đơn giản, một ngày là Tùng có thể hoàn thành sản phẩm nhưng cũng có những mô hình phức tạp thì cần khoảng một tuần. Tuy nhiên, khi đã thành thạo, thời gian làm việc của Tùng ngày càng được rút ngắn lại.
Những mô hình tiểu cảnh Tùng làm có kích thước chiều dài từ 20 - 40 cm, rộng 25 - 30 cm. Tùy theo kích thước, sự cầu kỳ của sản phẩm mà giá bán sẽ dao động từ 900 nghìn - 4,6 triệu đồng/sản phẩm. Tháng khách đặt hàng nhiều nhất, Tùng làm được 30 sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập hơn 20 triệu đồng.
Đối tượng khách hàng của Tùng chủ yếu ở các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Ngoài ra, Tùng cũng đã gửi một số sản phẩm sang Nhật Bản và Campuchia theo đơn đặt hàng của khách.
Nguyên liệu của các mô hình thì rất dễ kiếm nhưng quan trọng nhất là làm từng chi tiết rất nhỏ nên đòi hỏi sự cẩn thận và tập trung. Trong những mô hình tiểu cảnh của Tùng, đa số tái hiện cuộc sống xưa cũ của người dân miền Tây Nam Bộ với những vật dụng thiết yếu, đơn sơ giản dị. Đó là ngôi nhà bằng gỗ có thể nổi trên sông, cạnh đó có chiếc đò màu nâu; người dân nơi đây thường mặc bộ đồ bà ba chân chất, mộc mạc.
Các mô hình tiểu cảnh của Tùng cũng trở nên sinh động khi có những chi tiết nhỏ, đa dạng về màu sắc là các đồ vật gần gũi với cuộc sống sinh hoạt của con người như bàn, ghế, kệ sách, các bảng biển, chum đựng nước, chậu hoa, cầu thang, giá phơi đồ, con vịt…
“Đối với mỗi cảnh vật và đồ dùng, em đều cân nhắc trong việc chọn màu sơn cũng như cách pha màu để làm sao khi tô lên, sản phẩm thể hiện được màu thời gian bao trùm lên cảnh vật và có tác dụng gợi lại ký ức của thời quá khứ. Cũng vì thế, những ngôi nhà nơi miền Tây sông nước, em thường chọn màu chủ đạo là màu xanh rêu, nâu, đen… Em rất vui khi những tác phẩm của mình được nhiều người biết đến. Từ những sản phẩm của mình, em muốn lan tỏa niềm đam mê sáng tạo, tái chế đến với mọi người”.
Ông Hoàng Xuân Châu, cha Tùng, chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 20 năm làm nghề thủ công sản xuất đồ vàng mã. Tôi rất vui khi thấy con trai cũng làm các sản phẩm thủ công nhưng còn có thêm sự sáng tạo, có tính giải trí và thẩm mỹ. Nhiều người ghé nhà tôi chơi, thấy các sản phẩm do Tùng làm họ rất bất ngờ và dành nhiều lời động viên để Tùng tiếp tục theo đuổi đam mê, góp phần tạo thêm thu nhập giúp gia đình”.