Đây là đánh giá của Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, - TS. Trần Thanh Hải tại chương trình “Phát triển hợp tác xã bền vững: Bài học từ các nước và các hợp tác xã thành công tại Việt Nam".
Tính đến tháng 12/2021, Việt Nam có 18.340 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, bình quân 184 người/HTX.
Theo ông Hải, hiện nay đa số các HTX nông nghiệp ở Việt Nam đều có quy mô nhỏ, tập trung theo mô hình hộ gia đình, năng lực quản lý còn nhiều hạn chế.
Tình trạng này gây khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vay, các quy trình sản xuất bị hạn chế hoặc không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
“Chưa tới 30% số hộ nông dân làm nông nghiệp tham gia HTX. Mô hình HTX chủ yếu theo kiểu bạn bè, nhóm gia đình. Trong khi đó, bản chất của HTX là một tổ chức kinh tế tập thể. Việc này cho thấy Việt Nam đang đi ngược xu hướng thế giới”, ông Hải nhận xét.
Mô hình HTX ở Việt Nam còn khác biệt trong việc tổ chức dịch vụ. HTX các nước đa phần là HTX đa mục tiêu, cung cấp nhiều dịch vụ trong sản xuất và đời sống cho người dân. Còn ở Việt Nam, khi thành lập HTX, dịch vụ liên kết tiêu thụ (mua và bán lại nông sản của thành viên HTX) được đẩy lên đầu. Xu hướng phát triển này của mô hình HTX Việt Nam cho thấy sự thiếu bền vững.
Từ thành công của các mô hình HTX ở Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, ông Hải nhận định muốn theo xu hướng thế giới, tăng số lượng thành viên trên một HTX phải thỏa mãn hai điều kiện, đó là nâng cao trình độ quản lý của hội đồng quản trị, ban giám đốc và phải nhận được sự ủng hộ của các thành viên.
Theo ông Hải, tạo được lòng tin với nông dân, HTX đã nắm chắc thành công tới 70% . “Theo tôi, khi hoạt động đúng, mô hình HTX không cần góp nhiều tiền, HTX cần nhiều người để liên kết thành một quy trình đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho các sản phẩm”, ông Hải cho biết.
Không những thế, yếu tố hàng đầu để xây dựng niềm tin đối với các thành viên tham gia HTX là tổ chức dịch vụ tín dụng. Đây là nền tảng của việc phát triển mô hình HTX. Dịch vụ này hỗ trợ về vốn, chi phí đầu tư cho các thành viên trong HTX.
Vì thế, các nước trên thế giới ưu tiên dịch vụ này nhằm xây dựng lòng tin, uy tín với nông dân.
Ở Việt Nam, dịch vụ này hầu như ít được quan tâm, chính quyền và người dân thúc đẩy HTX làm dịch vụ liên kết tiêu thụ khi vốn chưa có, các kỹ năng thu gom, sơ chế, phân loại sản phẩm của họ còn hạn chế, dẫn đến thất bại, từ đó đánh mất niềm tin đối với các thành viên.
Ngoài ra, để phát triển HTX một cách bền vững phải chú trọng tới việc lợi nhuận hài hòa với lợi ích. Trong kinh doanh phải đưa yếu tố đảm bảo lợi ích cho các thành viên, nâng cao chất lượng đời sống của người nông dân lên hàng đầu.
“Việc sản xuất phải an toàn bằng cách vận động nông dân giảm dần phân hóa học, sử dụng phân hữu cơ; sử dụng những phương pháp canh tác ít tác động tới con người bằng cách phun thuốc bằng máy bay, đó là cách làm mô hình HTX phát triển bền vững”, ông Hải khẳng định.