Nông dân quay cuồng vì giá thuê máy gặt tăng 20.000 – 70.000 đồng/sào, hợp tác xã mất 30% lợi nhuận

Bình Minh Thứ sáu, ngày 17/06/2022 09:29 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu liên tiếp tăng khiến nông dân quay cuồng, tại các tỉnh miền Bắc vụ thu hoạch lúa mùa năm nay, chi phí thuê máy gặt đã tăng 20.000 – 70.000 đồng/sào (tăng 10 - 15% so với mọi năm).
Bình luận 0

Giá xăng dầu leo thang kéo giá gặt máy tăng 10 - 15%

Thời gian này, các tỉnh miền Bắc đang bước vào thu hoạch lúa vụ mùa, trái ngược với các vụ trước, cả chủ máy và chủ ruộng đều không thể vui mừng bởi giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí vận hành và giá dịch vụ gặt máy cũng tăng theo.

Tại tỉnh Nghệ An, hiện, giá dịch vụ gặt máy so với các năm trước tăng từ 20.000 – 70.000 đồng/sào, dao động từ 160.000 - 220.000 đồng/sào (tùy vùng đồng, tùy tình trạng lúa đứng hay lúa đổ).

Anh Nguyễn Văn Hòa, chủ một máy gặt ở xã Thanh Phong (huyện Thanh Chương) cho biết, giá xăng dầu tăng khiến giá cả các dịch vụ đều tăng theo. Giá vận chuyển một máy gặt từ vùng đồng ở địa phương này sang địa phương khác tăng mạnh. 

Nếu như năm ngoái, chuyển đồng từ Nam Định vào Nghệ An chỉ hết 2,5 - 3 triệu đồng/máy thì nay đã lên đến 4,5 triệu đồng; còn chuyển đồng nội tỉnh cũng tăng thêm 50.000 - 150.000 đồng/lượt (tùy khoảng cách).

Xăng dầu liên tiếp tăng giá: Nông dân quay cuồng vì giá thuê máy gặt tăng 20.000 – 70.000 đồng/sào, HTX mất 30% lợi nhuận - Ảnh 1.

Giá xăng dầu liên tiếp tăng cao khiến giá dịch vụ gặt lúa cũng tăng 20.000 – 70.000 đồng/sào. Ảnh: HX

Theo phân tích của anh Hòa, giá xăng dầu tăng, để gặt 1 sào lúa tiêu tốn 2,5 lít dầu, hết khoảng 70.000 đồng/sào, tăng gấp rưỡi so với vụ xuân năm trước; giá nhân công đóng bao tăng từ 300.000 đồng/ngày lên đến 450.000 đồng/ngày; giá tài lái máy tăng từ 600.000 đồng/ngày lên đến 700.000 đồng/ngày. Do đó, giá dịch vụ gặt máy của chúng tôi cũng phải tăng theo mới đủ chi phí”.

Nông dân Lê Văn Thành, ở xóm 3, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết, tính tổng chi phí cho 1 sào lúa từ khi gieo giống đến khi thu hoạch hết khoảng 1,1-1,2 triệu đồng. Năng suất như vụ này chỉ đạt 1,5-1,7 tạ/sào, tiền thuê máy gặt tăng trong khi giá lúa 7.000 đồng/kg thì số tiền thu về chưa đủ bù vốn bỏ ra chứ chưa nói đến tiền công chăm sóc 4 tháng trời.

Tại xã Trung Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), ông Trần Thường Hoàn - Chủ tịch UBND xã cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho nông dân và chủ máy gặt, trước khi bước vào vụ thu hoạch lúa, xã chỉ đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp thông báo đến toàn thể người dân về việc đăng ký làm dịch vụ máy gặt lúa. Căn cứ vào diện tích lúa hiện có, HTX xã thống nhất đưa 12 máy gặt vào phục vụ bà con nông dân suốt cả vụ.

"Các chủ máy ký cam kết với chính quyền xã phục vụ bà con nông dân đến nơi, đến chốn, khi nào thu hoạch hết lúa mới được rút máy. Đặc biệt, giá dịch vụ máy gặt cũng được các bên bàn bạc thống nhất với 3 mức giá khác nhau", ông Hoàn cho biết.

Xăng dầu liên tiếp tăng giá: Nông dân quay cuồng vì giá thuê máy gặt tăng 20.000 – 70.000 đồng/sào, HTX mất 30% lợi nhuận - Ảnh 2.

Giá xăng dầu tăng quá cao, nhiều hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên đã phải bỏ cả chục triệu đồng để tưới nước cho cây cà phê. Trong ảnh là nông dân huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk tưới nước cho vườn cà phê. Ảnh: Minh Thuận

Theo đó, đối với vùng đồng sâu sục bùn, thu với giá 220.000 - 240.000 đồng/sào; vùng ruộng mưng thu với giá 180.000 - 220.000 đồng/sào; vùng ruộng nông, thu với giá 160.000 - 180.000 đồng/sào. Với giá dịch vụ này là cao hơn các năm trước từ 10 - 15%, bởi giá dầu năm nay tăng cao.

Tại huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), chia sẻ với Dân Việt, anh Nguyễn Văn Quý, thôn Điềm Tây, xã Minh Phượng cho biết, do giá xăng dầu trong thời gian qua liên tục tăng đã đẩy giá dịch vụ gặt lúa cũng đã tăng lên từ 150.000 - 170.000 đồng/sào.

Vụ mùa năm nay, gia đình anh Quý trồng 8 sào lúa, vị chi nếu thu hoạch toàn bộ diện tích này bằng máy gặt thì số tiền sẽ phải bỏ ra khoảng 1,3 triệu đồng. Nếu tính toàn bộ chi phí như phân bón, thuốc BVTV thì người trồng lúa không có lãi.

Mất 30% lợi nhuận do giá xăng dầu tăng quá cao

Mất đến 30% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) không thể vui mừng dù thị trường đã tiêu thụ dễ dàng hơn so với năm 2021.

Ông Cường cho biết, đơn vị cung cấp 1.000 - 1.300 tấn rau củ quả cho nhiều tỉnh thành trên cả nước mỗi năm. 

Từ tháng 7/2021, chi phí vận chuyển cho một xe tải hàng từ Long An lên TP Hồ Chí Minh ra Đồng Nai đã tăng từ 1 triệu lên 1,2 triệu đồng. Nhưng riêng đầu năm 2022 cho đến nay, số tiền này đã thêm 300.000 đồng do ảnh hưởng bởi giá xăng tăng quá "nóng".

Theo tính toán của ông Cường, mỗi lần với 4 chuyến xe tải vận rau củ quả tới địa điểm thụ sản phẩm, chi phí mà Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh phải trả đã tăng lên 1,2 triệu đồng trong vòng chưa đầy một năm (tương đương với giá thuê 1 xe tải vào năm 2021).

Xăng dầu liên tiếp tăng giá: Nông dân quay cuồng vì giá thuê máy gặt tăng 20.000 – 70.000 đồng/sào, HTX mất 30% lợi nhuận - Ảnh 3.

Do giá xăng dầu tăng liên tục, doanh thu của HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh (Long An) bị mất 30%. Trong ảnh là nhân viên HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh chuẩn bị rau, củ cung cấp cho thị trường. Ảnh: Trần Đáng.

Cũng theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh, người nông dân sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều do chi phí đầu vào tăng cao mà giá thành đầu ra lại không tăng theo kịp, từ đó lợi nhuận giảm đi.

“Ước tính, Hợp tác xã chúng tôi đã mất đến 30% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên để tính tới chuyện giữ các chuỗi cung ứng thị trường, chúng tôi đã có nhiều biện pháp nhằm giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu giá xăng còn tăng, chúng tôi sẽ tìm đến các đối tác tiêu thụ và thương lượng giá cả, để bù đắp chi phí cho bà con nông dân”, ông Cường cho hay.

Từ cuối năm 2021, khi giá phân bón tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì xăng, dầu lại tiếp tục thiết lập kỷ lục tăng giá mới, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Long An. Trong “cơn bão” giá, bà con nông dân lại càng thêm gánh nặng chi phí.

Xăng dầu liên tiếp tăng giá: Nông dân quay cuồng vì giá thuê máy gặt tăng 20.000 – 70.000 đồng/sào, HTX mất 30% lợi nhuận - Ảnh 4.

Giá xăng dầu tăng cao dẫn đến các chi phí vận chuyển của Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến, ở xã Vô Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) bị đội lên thêm trên 100.000 đồng. Trong ảnh: Chị Tống Thị Xuyến, Giám đốc Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến. Ảnh: Phan Trang

Chị Tống Thị Xuyến, Giám đốc Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến, ở xã Vô Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) cho biết, nếu như trước đây, trung bình 1 thùng hàng gửi đi ngoại tỉnh chỉ mất chi phí 50.000 đồng thì giờ đã tăng lên 80.000 đồng.

Trung bình 1 ngày, HTX gửi 5 thùng hàng, chi phí bị đội lên thêm trên 100.000 đồng. Trong khi đó, giá chè vẫn chỉ dao động ở mức từ 250.000 - 500.000 đồng/kg chứ chưa thể tăng theo giá xăng, dầu.

Tương tự, anh Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Phát triển thương mại Nguyên Việt, ở xã Minh Đức, T.X Phổ Yên (Thái Nguyên) cho hay, công ty chuyên sản xuất, chế biến tinh bột từ các loại rau như: Diếp cá, tía tô, cần tây, cải xoăn, cải bó xôi… Thời gian qua, giá xăng dầu tăng đã khiến chi phí vận chuyển nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra của Công ty tăng tới 20%.

Ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết, để bơm tưới cho rẫy cà phê rộng gần 4ha, ông đã phải bỏ ra gần chục triệu đồng/lần tưới do giá xăng dầu đội lên quá cao.

"Trung bình hằng năm người trồng cà phê phải vận hành máy nổ để bơm tưới cà phê từ 2 - 3 lần, tùy vào thời tiết. Tiền dầu để tưới cho 1ha cà phê với giá như hiện nay phải mất từ 1,5 - 2 triệu đồng, 6 triệu đồng tiền phân, cộng thêm 3 - 4 triệu đồng tiền nhân công. Như vậy, trung bình hiện nay cứ 1ha cà phê chi phí xăng dầu, phân bón, nhân công hết từ 10 - 12 triệu đồng. Với 4ha cà phê, mỗi lần tưới nước, bón phân, gia đình tôi mất trên 40 triệu đồng”, ông Thắng chia sẻ.

Tại tỉnh Thái Nguyên, anh Hà Văn Bắc, ở xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên) cho hay, vụ mùa năm nay, gia đình anh cấy 2 sào lúa và trồng 5 sào rau màu. Nếu như năm 2021, để cày bừa hết 7 sào ruộng, gia đình anh tiêu tốn 21 lít dầu Diezen, tương đương với số tiền khoảng 357.000 đồng thì năm nay, do xăng, dầu tăng giá nên chi phí mua dầu đã "đội" lên hơn 560.000 đồng.

"Năm nay, giá phân bón tăng gấp đôi, xăng, dầu cũng tăng trong khi đầu ra của nông sản lại bấp bênh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bà con chúng tôi vừa sản xuất, vừa nghe ngóng thông tin thị trường. Đợt này, gia đình tôi đang xuống giống dưa chuột, dưa lê, hy vọng cây màu sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định để bù đắp phần nào chi phí", anh Bắc nói.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem