Siết chặt tình trạng "tuồn" thịt lợn mảnh sang Trung Quốc
Trao đổi với báo chí sáng nay 1/8, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đàn lợn của nước ta từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng tốt. Trong bối cảnh giá thịt lợn hơi ở mức thấp gần 2 năm qua, Bộ NNPTNT kỳ vọng từ nay tới cuối năm, giá lợn hơi sẽ ổn định và dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg.
Thứ trưởng có thể cho biết tình hình phát triển đàn lợn của nước ta từ đầu năm đến nay? Thời gian qua giá lợn hơi tại Trung Quốc tăng cao, dẫn đến tình trạng buôn bán thịt lợn qua biên giới, Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể vấn đề này?
- Năm 2021, sản lượng thịt các loại nói chung của nước ta đạt 669 triệu tấn. Đến hết tháng 7, đàn lợn tăng 4,8%; đàn gia cầm tăng 1,6%. Đàn bò tăng 2,6%, đàn trâu năm 2021 giảm 2,4% nhưng đến thời điểm này chỉ giảm 1,1%. Như vậy năm nay, tổng sản lượng thịt các loại chắc chắn sẽ đạt trên 7 triệu tấn thịt, 18,4 tỷ quả trứng và trên 1,3 triệu tấn sữa.
Trong bối cảnh chi phí đầu vào khó khăn như hiện nay, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thì với tốc độ tăng trưởng như trên, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm đủ thực phẩm từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, thời gian qua, giá lợn hơi và giá thịt lợn ở các thị trường xung quanh có sự biến động lớn. Bộ NNPTNT đã cử các đoàn công tác phối hợp với các tỉnh có đường biên giới tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình buôn bán thịt lợn. Bây giờ các cửa khẩu biên giới đều đã được siết chặt, không còn tình trạng buôn bán lợn như ngày trước. Tuy nhiên, vẫn còn chuyện các thương lái mổ lợn, sau đó chặt mảnh chở sang Trung Quốc tiêu thụ.
Bộ NNPTNT đã sớm đẩy mạnh rà soát, kiểm tra tình hình buôn bán thịt lợn ở các tỉnh biên giới, vừa nhằm đảm bảo tình hình an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước ổn định.
Thực tế là giá lợn hơi mấy ngày nay đã giảm về mức không quá cao, cũng không quá thấp, hài hòa đối với người tiêu dùng và đảm bảo người chăn nuôi có lãi. Cụ thể, giá lợn hơi hiện dao động từ 65.000 – 70.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lợn hơn 60.000 đồng/kg.
Trong bối cảnh lạm phát, chi phí đầu vào đang ở mức cao như hiện nay, Bộ NNPTNT chỉ đạo công tác tái đàn cho dịp cuối năm như thế nào, nhất là việc vào đàn của các doanh nghiệp lớn?
- Hiện chúng ta có 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn chi phối tỉ trọng ngành chăn nuôi lợn. Chúng ta cũng đã nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi – đây chính là công cụ quan trọng nhằm thúc đẩy công tác tái đàn thuận lợi. Bên cạnh đó, việc phòng chống các bệnh dịch lở mồm long móng, tai xanh được khống chế tương đối tốt.
Quan trọng là giá đầu ra của thịt lợn ở mức thuận lợi như hiện nay sẽ giúp đảm bảo đà tăng trưởng nói chung của chăn nuôi lợn trong nước. Như năm 2021, chúng ta giết mổ khoảng 51 triệu con lợn thì năm nay phấn đấu đạt hơn 51 triệu con lợn thương phẩm. Bên cạnh đó, chúng ta phấn đấu giữ đà tăng trưởng các loại thịt bò, thịt trâu, thịt gia cầm, các loại thủy hải sản để phục vụ thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán.
Như Thứ trưởng nói thì chúng ta không cần phải lo ngại việc thiếu thịt dịp cuối năm? Và giá thịt lợn sẽ ổn định?
- Để đảm bảo đà tăng trưởng, chúng ta cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, duy trì tốc độ tăng trưởng của đàn lợn, đàn trâu bò, đàn gia cầm... Như vậy sẽ đảm bảo ổn định nguồn cung thực phẩm từ nay tới cuối năm.
Chúng ta cố gắng hết sức để cân đối cung cầu, làm sao giá thịt lợn hơi không quá cao, cũng không giảm xuống quá thấp, người tiêu dùng và người chăn nuôi đều được hưởng lợi và không ảnh hưởng tới chỉ số CPI trong rổ thực phẩm.
Thưa Thứ trưởng, sáng nay tôi đi chợ, giá thịt lợn vẫn ở mức 140.000 – 150.000 đồng/kg, cho thấy giá thịt lợn ngoài chợ giảm chậm hơn rất nhiều so với giá lợn hơi xuất chuồng. Vậy khâu điều hành còn vướng mắc ở đâu?
- Kênh phân phối bây giờ không như ngày xưa, thời bao cấp có sự chỉ đạo của Nhà nước. Còn bây giờ giá thịt lợn từ cửa chuồng trại đến bàn ăn chênh nhau khoảng 1,7 lần. Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công Thương phải có giải pháp điều tiết. Do đó, chắc chắn giá thịt lợn ngoài chợ sẽ được điều chỉnh giảm dần về mức hợp lý.
Một thực tế là từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 6 lần, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính làm tăng chi phí sản xuất, đẩy giá thịt lợn tăng cao. Vậy Bộ NNPTNT đã làm gì để gỡ khó cho người chăn nuôi?
Phải thừa nhận một điều là năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta còn hạn chế. Ví dụ năng suất ngô của chúng ta chỉ đạt 4,8 tấn/ha; trong khi các nước sử dụng nguồn giống biến đổi gen, năng suất lên tới 9 tấn/ha. Hay như cây đậu tương, ở Mỹ năng suất đạt tới 132 quả/cây, còn chúng ta chưa được đến 70 quả. Qua đó cho thấy, năng suất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam rất thấp.
Việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với giá thấp hơn là một nhu cầu. Tuy nhiên, không có nghĩa chúng ta để yên. Chính phủ đã có chỉ đạo kiểm soát và xây dựng một nền chăn nuôi tự chủ. Theo đó, chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng cây làm thức ăn chăn nuôi.
Vừa rồi, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Tập đoàn De Heus phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi xây dựng một số hợp tác xã trồng sắn, trồng ngô ở các tỉnh Tây Nguyên, đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp việc sản xuất thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đây là 1 trong những biện pháp đem lại hiệu quả trực tiếp vào việc giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.
Thứ nữa, chúng ta sẽ tập trung vào trồng ngô sinh khối, đẩy mạnh chế biến 1,5 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đại gia súc. Đây chính là giải pháp nhanh nhất nhằm tiết kiệm ngoại tệ, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu.