Đây là thực trạng chung mà nhiều hiệp hội ngành hàng cùng nêu kiến nghị lãnh đạo tỉnh Bình Dương hỗ trợ tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước năm 2022, tổ chức ngày 3/8.
Theo Sở Công Thương Bình Dương, tình hình phát triển kinh tế, xã hội, 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt nhiều thành quả nổi bật.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,84% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp, xây dựng tăng 7,85%; dịch vụ tăng 6,06%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,18%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2021. Các khu công nghiệp đã cho thuê lại đất và nhà xưởng với tổng diện tích 196ha, thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 1,7 tỷ USD.
Sản lượng điện thương phẩm ước đạt 7,8 tỷ KWh; tăng 2,6% so với cùng kỳ; duy trì tỷ lệ hộ sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt 99,99%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 133.300 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Trái ngược với những con số khả quan mà Sở Công Thương báo cáo, đại diện các hiệp hội ngành hàng cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh hiện tại và các tháng sắp tới đối diện nhiều khó khăn, thách thức.
Tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đã có những ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam và Bình Dương trên hầu hết các ngành, lĩnh vực như: Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Bà Phan Lê Diễm Trang – Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Bình Dương cho biết, rất nhiều doanh nghiệp thành viên "đang thiếu oxy".
Tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm không phản ánh hết tình hình thực tế. Tăng trưởng doanh thu thời gian qua là tăng do phục hồi ngắn hạn sau đại dịch Covid-19.
Thế nhưng, khi chiến sự Nga – Ukraine diễn ra, từ tháng 6 trở đi, đơn hàng xuất khẩu giảm hẳn. "Nguồn cung nguyên phụ liệu cũng giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc", bà Trang nói.
Bà Trương Thị Thúy Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương cho biết, sản phẩm của ngành chủ yếu là xuất khẩu.
Thời gian qua, Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại với thế giới. Vì thế, tình hình kinh tế trong nước cũng chuyển biến rất nhanh theo các biến động của thế giới.
Đặt biệt là tình hình lạm phát đang thể hiện rất rõ ở các thị trường lớn trên thế giới hiện nay.
Hiệp hội da giày phải đối phó bằng cách cắt giảm nhà thầu phụ; cắt giảm thời gian tăng ca, khuyến khích công nhân nghỉ phép năm.
"Các doanh nghiệp tìm cách đàm phán với khách hàng sử dụng lại các đơn hàng mà họ đã từ chối trong mùa dịch để bù đắp cho thời gian này", bà Liên cho biết.
Ông Nguyễn Văn Quý – Phó Chủ tịch Hội Điêu khắc sơn mài tỉnh Bình Dương cho biết, ngành không có đóng góp nhiều vào GDP toàn tỉnh vì hầu hết các doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ.
Thế nhưng các doanh nghiệp gắn bó với nghề sơn mài là đang nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh.
Thời gian qua tỉnh đã có đề án bảo tồn, phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. "Tuy nhiên, đề án tiến hành quá chậm. Rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lâm vào tình cảnh khó khăn", ông Quý nói.
Ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương thừa nhận, tình hình sản xuất kinh doanh của các hiệp hội ngành hàng đang không tươi sáng như báo cáo của Sở Công Thương.
Theo ông Tín, do lạm phát cao, chi phí vận chuyển tăng, sức tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu đang có vấn đề.
Mặc dù các thị trường lớn này chưa thừa nhận nhưng những biểu hiện của suy thoái đang rất rõ ràng.
Trung Quốc thì tiếp tục thực hiện chính sách "Zero Covid" nên thương mại khó trở lại bình thường.
Tất cả các yếu tố này khiến hoạt động của doanh nghiệp suy yếu. "Nhiều doanh nghiệp chỉ vận hành 30-50% công suất. Nhiều đơn vị cho công nhân nghỉ việc từ 1-2 tháng", ông Tín nói.
Cũng theo ông Tín, vẫn có những điểm sáng nhất định trong thu hút đầu tư ở Bình Dương. Cụ thể là sự dè dặt từ Trung Quốc khiến dòng vốn đầu tư có khuynh hướng chuyển dịch về Việt Nam. Bình Dương cũng được hưởng lợi từ xu hướng này và đang nỗ lực tổ chức để đón sóng đầu tư.
Tuy nhiên, khi làn sóng FDI đổ về, việc cạnh tranh về lực lượng lao động của các doanh nghiệp trong nước sẽ rất gay gắt. Các doanh nghiệp trong nước cũng khó cạnh tranh về nguồn vốn để phát triến.
"Bên cạnh sự nỗ lực của các từng doanh nghiệp, từng hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong nước mong nhận được sự hỗ trợ tốt hơn từ tỉnh Bình Dương trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc", ông Tín kiến nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương cho biết, lãnh đạo tỉnh nghiêm túc tiếp thu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng.
Theo Bí thư Lợi, quan điểm của Bình Dương phải xem khó khăn, thành công của doanh nghiệp cũng là khó khăn và thành công của Bình Dương.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh và các sở ngành cần tiếp thu các kiến nghị, gợi ý để tham mưu, điều phối tháo gỡ kịp thời.
"Những vấn đề vướng mắc trong thẩm quyền của tỉnh cần phải được giải quyết ngay, tránh trường hợp cứ mỗi kỳ gặp mặt lại tiếp tục nghe các doanh nghiệp bức xúc lại những vấn đề cũ", Bí thư Nguyễn Văn Lợi đề nghị.