Dân Việt

Trồng đủ thứ cây ăn trái mời du khách vào thưởng thức, ông nông dân Quảng Nam thu hàng trăm triệu đồng

Trần Hậu - Tuyết Lê 05/08/2022 15:43 GMT+7
Thời gian qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, nhất là cây ăn quả được nông dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) tích cực triển khai thực hiện. Nhiều nông dân có thu nhập ổn định nhờ áp dụng mô hình.

Lãi hàng trăm triệu đồng/năm

Thông qua các chương trình, dự án, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Ấn tượng nhất phải kể đến mô hình trồng cây ăn quả kết với du lịch sinh thái của hộ ông Nguyễn Tổng (51 tuổi) ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Đến thăm vườn cây ăn quả của ông Tổng, được ông cho biết: Trước đây, vợ chồng ông làm nghề buôn bán trái cây, ngoài ra còn làm ruộng để mưu sinh. Việc sản xuất lúa chỉ đủ để ăn, lấy công làm lãi, cuộc sống lúc đó không dư bao nhiêu, từ đó ông đã tìm tòi học hỏi mô hình trồng cây ăn quả ở miền Nam để bắt đầu xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho gia đình.

Quảng Nam: Đại Lộc hái “quả ngọt” từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp - Ảnh 1.

Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả của hộ ông Nguyễn Tổng ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Hậu.

Năm 2017, vợ chồng ông bắt đầu xây dựng mô hình trồng cây ăn quả trên đất ruộng của gia đình với diện tích hơn 1.000m2, với những loại cây trồng như ổi, mận, mít, bưởi da xanh…. Nhờ cách chăm sóc tốt, cây ăn quả thích ứng với thổ nhưỡng của địa phương nên qua 2 năm nhiều cây cho trái bói, đã có sản phẩm thu hoạch.

Mô hình trồng cây ăn quả phát triển tốt, vợ chồng ông đã đầu tư mở rộng quy mô. Đến nay, quy mô vườn cây ăn trái có diện tích rộng hơn 4ha với 500 cây bưởi da xanh, 300 cây ổi, 200 cây xoài, 400 cây chanh và nhiều loài cây ăn quả khác…

Quảng Nam: Đại Lộc hái “quả ngọt” từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp - Ảnh 2.

Mỗi năm ông Tổng bán ra thị trường hơn 200 tấn cây các loại. Ảnh: Trần Hậu.

Hiện nay, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái của ông Tổng đang phát triển tốt. Hàng năm, vườn cây ăn trái của gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng hơn 200 tấn trái cây các loại, sau khi trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

Quảng Nam: Đại Lộc hái “quả ngọt” từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp - Ảnh 3.

Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái giúp ông Tổng lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Ảnh: Trần Hậu.

Quảng Nam: Đại Lộc hái “quả ngọt” từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp - Ảnh 4.

"Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình tôi nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các hội đoàn thể. Mặc dù mô hình trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái mới hình thành được hơn 5 năm nay nhưng gia đình tôi đã có của ăn của để, khá giả hơn trước rất nhiều…", ông Tổng phấn khởi nói.

Một hộ khác hiệu quả không kém hộ ông Tổng là hộ ông Hứa Trường Danh (xã Đại Minh) đã chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thơm, xen canh cây ổi, cây quýt. Ông Danh cho biết, trước đây mỗi năm ông trồng lúa chỉ để ăn, thu nhập bấp bênh. Vì vậy, ông đầu tư chuyển sang trồng vườn cây ăn trái từ năm 2020.

Hiện, ông Danh đã trồng trên 30.000 cây thơm trên diện tích 3ha, mỗi năm thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng.

Quảng Nam: Đại Lộc hái “quả ngọt” từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp - Ảnh 5.

Ông Hứa Trường Danh cho biết, trồng thơm cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần trồng lúa. Ảnh: Tuyết Lê.

Theo ông Hứa Trường Danh, trồng thơm không lo đầu ra, thương lái đến tận vườn mua, giá bán ổn định. "Trước đây trồng lúa nhưng chi phí phân bón tăng cao, giá trị kinh tế lúa thấp, nên tôi quyết định chuyển đổi qua trồng cây dứa, cây ăn quả. Mô hình này so với cây lúa hiệu quả hơn rất nhiều, sắp tới tôi mở rộng thêm diện tích...".

Hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng chuyên canh

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, với mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, những năm qua huyện Đại Lộc đã thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa không chủ động nguồn nước tưới sang trồng các loại cây màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Quan điểm của huyện là khuyến khích các địa phương chuyển đổi cây trồng. Địa phương hỗ trợ nông dân về vốn, phân bón, liên kết với các đơn vị hỗ trợ bao tiêu thụ sản phẩm.

Quảng Nam: Đại Lộc hái “quả ngọt” từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp - Ảnh 6.

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp người dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập. Ảnh: Trần Hậu.

Tuy vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn hạn chế. Đó là quy mô chuyển đổi cây trồng ở một số địa phương còn mang tính thời vụ, chưa bền vững và còn manh mún, thiếu tính liên kết vùng, quy mô lớn. Mặt khác, đầu ra một số sản phẩm nông nghiệp không ổn định, giá cả bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Được biết, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ nông dân tại huyện Đại Lộc đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Đến nay, nông dân huyện Đại Lộc đã chuyển đổi hơn 500ha đất lúa kém hiệu quả, không chủ động nước tưới sang sản xuất hoa màu các loại.

"Đến nay, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng cơ bản đảm bảo được năng suất cây trồng, có hiệu quả hơn so với cây lúa. Chính sách đối với bà con, huyện bố trí nguồn giống, cũng như vật tư về phân bón để hỗ trợ cho các địa phương tham gia mô hình chuyển đổi trên đất lúa nhân rộng cho phát triển sau này…", ông Mẫn cho hay.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức tập huấn chuyển đổi cây trồng, giúp bà con chọn cây trồng phù hợp… UBND tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển sản xuất.

Năm nay, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi 1.300 ha đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây trồng cạn, trồng hoa màu, trồng cỏ nuôi bò hoặc đào ao thả cá...

Quảng Nam: Đại Lộc hái “quả ngọt” từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp - Ảnh 7.

Quảng Nam cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh. Ảnh: CTV.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: "Trong thời gian tới, tỉnh tập trung công tác tuyên truyền để người dân nhận thấy được việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước để triển khai thực hiện.

Đồng thời, tiến hành quy hoạch các hình thức tập trung tích tụ ruộng đất tại các vùng chuyển đổi, tạo điều kiện cho các cá nhân, tập thể triển khai thực hiện, đầu tư máy móc trang thiết bị từ khâu sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản để từ đó xây dựng sản phẩm theo chuỗi giá trị, các vùng chuyên canh. Tỉnh cũng khuyến khích người nông dân ưu tiên chuyển đổi các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện để đầu ra cho nông sản tiếp cận với thị trường".