Theo chân ông Trương Văn Quan (thôn 1, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) chúng tôi ra thăm khu vườn rộng hơn 2ha với gần 1.000 cây cau đang cho quả non, đẹp mắt.
Ông Quan cho biết, vườn cau này từ 5 - 10 năm tuổi. Sau 5 năm, cây cau bắt đầu đơm hoa ra quả, trung bình mỗi cây cau cho khoảng 3 - 4 buồng quả, buồng cau nặng từ 8 - 10kg.
Cau ra hoa từ tháng Giêng âm lịch và đến tháng 6 dương lịch là bắt đầu thu hoạch. Một mùa cau ông Quan thu hơn 4 tấn tươi, bán với giá dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/kg, tùy theo thời điểm.
“Cây cau rất dễ chăm sóc, ít tốn phân, khi còn nhỏ chỉ cần chịu khó tưới nước. So với nhiều cây trồng khác thì cây cau tre mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần” – ông Quan phấn khởi.
Clip: Thị trường ưa chuộng, người trồng cau huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) phấn khởi. Video: Báo Quảng Nam.
Cách vườn cau của ông Quan khoảng 1km, bà Nguyễn Thị Bình (xã Tiên Lãnh, Tiên Phước) đang chăm sóc vườn cau rộng hơn 1,5ha đang giai đoạn ra quả non.
Bà Bình cho biết, trước đây gia đình bà trồng cây keo, thời gian sinh trưởng lâu, năng suất thấp. Nhận thấy cây cau đang được thị trường ưa chuộng, cho năng suất cao, nên gia đình bà chuyển sang trồng cau tre.
Bà Bình nói: "Cây cau tre cho trái dài, to, nặng ký được thương lái rất thích. Khi sấy lên ruột cau có màu sắc đẹp, ít bị hao hụt". Cũng theo bà Bình, nhiều thương lái đã đến đặt mua cau vườn hơn 80 triệu đồng nhưng gia đình bà quyết định không bán mà tự thu hoạch để cân bán cho các cơ sở sấy cau, được giá hơn.
Hiệu quả của kinh tế vườn
Hiện nay các xã Tiên Cảnh, Tiên Châu, Tiên Lãnh, Tiên Ngọc… trồng cau với diện tích lớn. Dưới mỗi gốc cau, nhiều gia đình còn tận dụng trồng thêm cây tiêu nhằm tăng thêm thu nhập.
Bà Bình chia sẻ thêm, mỗi năm gia đình ươm thêm hàng ngàn cây cau giống để trồng và bán cho khách hàng ở các địa phương lân cận. Mỗi mùa cau bà thu hơn 100 triệu đồng từ việc bán cau giống và quả cau tươi.
Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng (đóng tại xã Tiên Cảnh) thông tin: “Với diện tích hơn 3.000m2, mỗi năm hợp tác xã ươm khoảng 100.000 - 150.000 cây cau giống để cung cấp cho người dân toàn huyện và các tỉnh thành khác. Thời gian sinh trưởng của cau giống từ lúc ươm đến khi trồng khoảng 6 tháng. Hiện mỗi cây cau giống có giá dao động 10.000 đồng, được nhiều người dân đặt mua về trồng trên đất vườn.
Ông Tăng Ngọc Đức – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện nay người dân trồng chủ yếu trong vườn nhà, vườn đồi, địa bàn phân bố rộng ở 15 xã, thị trấn, vùng trồng tập trung nhiều nhất 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, với nhiều vườn cau quy mô 1 - 2ha, thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Nhiều nông dân Tiên Phước hiện nay chặt bỏ cây keo để mở rộng trồng cau, do đặc tính của loại cây này dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thời gian kiến thiết cơ bản ngắn nhưng thời kỳ kinh doanh dài (trên 50 năm). Mật độ trồng phổ biến từ 1.600 cây/ha đến 2.500 cây/ha.
Về giá trị kinh tế, theo ông Tăng Ngọc Đức ngoài xuất khẩu quả cau đã qua chế biến sang thị trường Trung Quốc, thì các sản phẩm phụ như mo cau, tàu cau, thân cau đều được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hàng thủ công, mỹ nghệ để tăng giá trị và thu nhập cho người dân.
Theo thống kê, diện tích trồng cau trên địa bàn huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) hơn 1.000ha, trong đó diện tích đã cho quả 523ha. Sản lượng năm đạt khoảng 2.664 tấn quả cau tươi, giá bán cau tươi biến động từ 30.000 – 90.000 đồng/kg. Giá trị thu nhập từ quả cau và các sản phẩm phụ từ cau của toàn huyện đạt từ 100 - 200 tỷ đồng/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.