Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho rằng, trong đại dịch Covid-19, không một nhân viên y tế nào trốn tránh trách nhiệm.
"Anh em đã làm việc hết sức mình, không từ bỏ vì đó là trách nhiệm của nghề. Nhưng có người cống hiến xong, về nhà, người thân đã mất trong đại dịch nhưng họ không giúp được gì cho gia đình. Đó là sự thật! Covid-19 đi qua, mọi sự chịu đựng đều đến giới hạn. Nhân viên y tế như cục pin đã cạn, họ chỉ mong được nghỉ ngơi một chút vì quá mệt mỏi", bác sĩ Lộc tâm tư.
Bác sĩ Lộc cho rằng, ngành y hay nghề giáo, hay bất cứ ngành nghề nào cũng có gia đình, phải lo cho cuộc sống. Trong khi đó, môi trường bệnh viện rất đặc thù, áp lực, thời gian trực đôi khi không còn dành được sự quan tâm cho con cái.
Bên cạnh đó, vấn đề thu nhập cũng khiến anh em tâm tư, nhiều người lựa chọn sang y tế tư nhân làm việc, hoặc bỏ nghề sang kinh doanh
"Họ thường hỏi, tương lai sẽ sống như thế nào với cường độ làm việc căng thẳng mệt mỏi như hiện nay, đặc biệt là các điều dưỡng, y sĩ. Chúng tôi rất tự hào về nghề nhưng cũng chạnh lòng", bác sĩ Lộc nói.
Bác sĩ Đỗ Thị Tân, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận 1 thẳng thắn: "Qua đại dịch mọi người mới biết đến y tế cơ sở chúng tôi. Trong khi không ai biết rằng, hiện giờ, y tế cơ sở có tất cả 29 đầu việc, các em quần quật suốt bao nhiêu tháng qua, làm việc cả thứ 7, Chủ Nhật từ khi dịch bệnh Covid-19 cho đến ngày hôm nay. Đổi lại, họ được gì? Họ chỉ trông chờ vào đồng lương trong khi đồng lương rất thấp. Trong 1 năm, Trung tâm Y tế quận 1 có 21 nhân viên nghỉ việc, có những phòng ban nghỉ sạch hết, kể cả người làm lâu năm".
Bác sĩ Tân nêu thực trạng: Bác sĩ trẻ không muốn về trạm y tế, trung tâm y tế phải bỏ công đào tạo, nhưng đào tạo xong họ chuyển đi hết hoặc nghỉ việc vì thu nhập thấp, không có cơ hội phát triển. Do đó, bà đề nghị phải có những thay đổi trong chính sách xứng đáng với sự cống hiến của nhân viên y tế cơ sở.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho hay, biến động nhân lực là nguy cơ lớn của TP.HCM, đặc biệt lo ngại khi một số cán bộ quản lý gần đây cũng nghỉ việc. Ở các trạm y tế, hiện 48 cơ sở chỉ có phó trạm, 67 cơ sở phải tạm điều hành, chưa có trưởng trạm.
Lắng nghe tất cả những tâm tư, bức xúc của nhân viên y tế, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho hay, ngay từ trong dịch Covid-19, thành phố đã nhìn ra những vấn đề của ngày hôm nay và yêu cầu Sở Y tế phải xây dựng chiến lược y tế.
"Sau cuộc chiến Covid-19, hậu quả rất nhiều, di chứng cũng như chiến tranh. TP đã bàn rất kỹ về chiến lược y tế, trong đó có vấn đề nhân lực y tế, có vấn đề về chính sách y tế. Đó chính là những điều ngày hôm nay chúng ta lại phải nói đến", ông Nên đặt vấn đề.
Ông khẳng định, lãnh đạo TP luôn sát cánh bên nhân viên y tế, không để anh em đơn độc. Thời điểm này, không phải để tri ân chung chung mà bằng hành động cụ thể. Ông yêu cầu các sở ban ngành cam kết làm tốt nhiệm vụ của mình, nghiên cứu tìm giải pháp cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế. Đây là điều quan trọng nhất.
"Một bác sĩ trẻ mới ra trường chưa có lương nhưng phải làm việc liên tục. Chính sách của TP khi đưa bác sĩ trẻ về cơ sở là không để các em thiệt thòi. Khi cường độ và áp lực làm việc cao, phải có người lãnh đạo chia sẻ, thấu cảm, làm điểm tựa cho anh em chiến đấu. Đây là vaccine tin thần", ông Nên nói.
Bác sĩ Đỗ Thị Tân chia sẻ về áp lực của nhân viên y tế cơ sở. Clip: B.D
Về chính sách đãi ngộ, ông Nên đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Sở Nội vụ bàn giải pháp tăng thu nhập cho tình nguyện viên, sinh viên ra trường về làm việc ở trạm y tế phường đồng thời nghiên cứu các chính sách thi đua khen thưởng linh hoạt; rà soát cơ sở vật chất để báo cấp trên giải quyết.
Về củng cố cơ sở vật chất, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, trong chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, thành phố được phân bổ khoảng 300 tỷ đồng và sẽ dành toàn bộ kinh phí này củng cố trạm y tế. Do đó, Sở Y tế cần triển khai nhanh và quyết liệt.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng cần có các đề xuất mạnh mẽ liên quan đến cơ chế, chính sách, vướng mắc về tự chủ tài chính của các đơn vị. Ngoài ra, Sở Y tế cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, triển khai đề án hồ sơ sức khỏe điện tử theo hướng triển khai trên bình diện toàn thành phố để đảm bảo sự thống nhất.
Ông Đức cũng đề nghị Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế để tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp chuyên đề tháng 9 hoặc kỳ họp cuối năm.
Liên quan đến vấn đề biên chế, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cam kết sẽ đồng hành với Sở Y tế để huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Ông Nhân cũng cho biết thực hiện theo Nghị quyết 39 của Trung ương thì vẫn đảm bảo biên chế cho ngành y tế và giáo dục khi tăng bệnh viện, trường học, giường bệnh.
"Tinh giản biên chế và cơ cấu đội ngũ có nghĩa là phải rà soát về năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức để tinh giản chứ không chạy theo chỉ tiêu. Nếu tăng bệnh viện, giường bệnh mà vẫn giảm biên chế là không phù hợp", ông Nhân nói.