Thế nhưng, việc làm ấy nhiều lúc cũng phải chịu những lời cay đắng “cái ăn không có, tự nhiên bày ra cái trò này”. Cái tên lão Được “dở hơi” bắt nguồn từ đó.
“Thiếu ăn, thiếu mặc nhưng không thiếu tình thương”- đó là những điều người dân trong xóm Phao nói về ông Nguyễn Đăng Được (76 tuổi, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội). Bởi vì ông là người đầu tiên đem con chữ, lớp học đến cho lũ trẻ nơi bãi giữa sông Hồng.
Trao đổi với Dân Việt, ông cho biết, quê gốc ông ở Quảng Bình. Khoảng 30 năm trước, ông bươn chải ra Hà Nội. Ban ngày, ông đi làm thuê làm mướn ở trong thành phố. Khi màn đêm buông xuống, không có chỗ tắm giặt, nghỉ ngơi, ông tìm đến bãi giữa sông Hồng để có chốn nương thân. Thời điểm ấy, nơi đây chỉ có mình ông lui tới.
Sau đó, nhiều người có cùng hoàn cảnh thấy ông thường hay đến đây ở qua đêm nên họ cũng đến ở cùng. Theo thời gian, ngày càng có nhiều người tới ở, nơi đây giờ đã trở thành xóm Phao, đến nay đã có 37 hộ gia đình với hơn 100 nhân khẩu. Thế nhưng, người dân ở xóm đều là những người vô gia cư, không có giấy tờ tùy thân. Vì vậy, việc cho các cháu nhỏ đi học rất khó khăn.
Thương những đứa cháu nhỏ, ông Được quyết định mở lớp học xóa mù chữ. Ông Được lấy bạt làm trần, lấy căn lều lụp xụp làm lớp để dạy các em học chữ.
“Ngày xưa thì không có điều kiện, nên tôi chỉ căng cái bạt lên để che nắng che mưa, vài cái bàn cái ghế đi xin, mấy quyển vở con con để dạy các cháu học chữ o a, chủ yếu để xóa cái nạn mù chữ. Sau này khi người ta đi ngang qua thấy có một lớp học rất kì lạ như vậy nên họ cho sách cho vở, làm nền móng cho các cháu.”- ông Được nhớ lại.
Lớp học của ông Được đã dạy cho những đứa trẻ biết đọc, biết viết. Hơn thế, các em còn muốn được đến trường lớp như những đứa trẻ trên trong phố. Một lần nữa, ông Được lại tìm đến chính quyền để xin làm giấy tờ tùy thân để các em được đi học.
“Lúc đầu, tôi lên UBND phường Ngọc Thụy để xin cho các cháu đi học. Nhưng họ bảo các cháu không có giấy tờ khai sinh gì thì không thể đi học được. Tôi lại lên xin giúp đỡ từ cấp thành phố, các cấp có thẩm quyền. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của nhiều bên, các cháu có giấy khai sinh và được đi học”- Ông cho hay.
Ông Được chia sẻ: “Chúng tôi nghèo, trong khi đó các cháu rất ham học, ham đọc sách. Vì vậy, tôi quyết định mở một thư viện".
Nghĩ là làm, ông Được lại cặm cụi lo cho lũ trẻ có thư viện đọc sách. Ban đầu, ông dành dụm tiền công làm thuê bốc vác ở chợ Long Biên để mua sách cũ. Dần dà nhiều người thấy việc làm của ông cũng cùng nhau góp sức tặng sách để dựng nên thư viện.
Năm tháng qua đi, các em đến trường, sách trong thư viện đã được các em đọc hết, ông lại đem quyên góp những cuốn sách cũ, thu mua và xin thêm những cuốn sách khác để mở rộng tri thức cho các bạn nhỏ.
Không chỉ mở thư viện, ông Được còn bỏ tiền ra thuê đất, dựng sân chơi phiêu lưu miễn phí cho các bạn nhỏ ở trong và ngoài thành phố.
Chính sự đóng góp của ông, người dân nơi đây đã bầu ông làm người đại diện xóm Phao.
"Thành công lớn nhất là mình làm mà có nhiều trẻ em đến chơi, có nhiều người tham gia. Những người họ rất ủng hộ tôi làm, nhưng cũng có người bảo là ông dở hơi, ăn không có, tự nhiên bày ra cái trò này”- ông Được chia sẻ.
Ông Được tự hào nói về tâm huyết của đời mình. Clip: BN
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Mai - Chủ tịch UBMTTQ phường Ngọc Thụy cho biết, ông Được là người đại diện cho người dân xóm Phao. Ông chính là “cầu nối” tích cực giữa người dân vô gia cư với chính quyền địa phương và ban ngành đoàn thể trong mọi hoạt động.
Chị Nguyễn Thị Trang (28 tuổi, ở xóm Phao) cho biết: “Nhà tôi có 3 cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, nhưng khổ nỗi nhà nghèo nên không có tiền mua sách cho các con đọc. Nhờ có thư viện của bác Được, bọn trẻ thích lắm. Khi chưa có dịch, cứ đi học về con lại xin ra nhà ông để mượn sách, đọc truyện đến xế chiều mới về. Bác Được rất hiền, lại hay giúp đỡ mọi người trong thôn nên ai cũng quý bác”.
Ông Được cả một đời bươn chải, niềm vui của ông ở tuổi xế chiều là đem lại những điều tốt đẹp nhất cho lũ trẻ xóm Phao. Khi được hỏi bao giờ ông nghỉ hưu, ông mỉm cười đáp: “Tôi còn sống là còn phải duy trì, làm đến khi nào chân đứng không vững, không còn sức làm được gì mới thôi”.