Dân Việt

Làng toàn thanh niên lập chốt trồng thứ cây quý như vàng dưới tán rừng âm u ở Quảng Nam

Từ mô hình “Nhóm hộ trồng sâm” do UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) phát động, hỗ trợ, những vườn sâm Ngọc Linh bạt ngàn xen dưới những tán rừng già của 47 hộ gia đình thanh niên ở làng Tăk Rân (thôn 2, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My). Mô hình trồng sâm đang góp phần giúp nhiều hộ thanh niên nơi đây từng bước thoát nghèo.

Không còn cảnh lầy lội, khó khăn như trước đây, bây giờ, đường dẫn vào làng Tăk Rân, thôn 2, Trà Cang đã và đang được trải nhựa, đổ bêtông phẳng lỳ. Mùa này là vụ thu hoạch chính của lá và hạt sâm Ngọc Linh. Nhóm thanh niên của làng lại chia nhau thành các Tổ (từ 4-6 người), luân phiên nhau lên núi để kiểm tra, canh giữ vườn sâm của mình.

 

Làng toàn thanh niên lập chốt trồng thứ cây quý như vàng dưới tán rừng âm u ở Quảng Nam - Ảnh 1.

 

 Anh Nguyễn Thành Tiếu chia sẻ với Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam Phạm Thị Thanh về hiệu quả kinh tế từ Nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh và phương châm “lấy ngắn nuôi dài” từ sâm Nam.

 

 Anh Hồ Văn Đép - Bí thư Xã đoàn Trà Cang cho biết, ở làng Tăk Rân, nhiều hộ dân đã trồng sâm từ trước đó rất lâu, nhưng hầu hết trồng phân tán, gần nhà nên cây sâm chậm phát triển, hiệu quả kinh tế không cao. 

Nhận thấy điều đó, đến năm 2018, 47 hộ thanh niên trong làng mới bàn nhau liên kết lại thành Nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh. Theo đó, vườn sâm của các hộ trong chốt được đưa vào rừng sâu, nơi có độ cao và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho cây sâm sinh trưởng, phát triển tốt. 

Các hộ tham gia mô hình ban đầu đến các vườn sâm lớn ở thôn 2, Trà Linh của các hộ trồng sâm lâu đời như hộ ông Hồ Văn Du, Nguyễn Văn Lượng,...  để làm công, đổi công lấy cây giống, hạt giống và học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây sâm. Sau gần 03 năm trồng, vườn sâm đủ các nhóm tuổi từ 1 đến 7 tuổi. 

Những cây sâm lớn từ 5-7 tuổi đã cho thu hoạch hạt, lá, và củ. Bước đầu mô hình đã giúp các hộ thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. Số tiền thu về, các hộ tái đầu tư, mua hạt giống để gieo ươm, mua cây con giống để trồng, mở rộng diện tích.

 Trong cái nắng nhạt vàng của tiết trời mát mẻ, theo chân các anh trong nhóm liên kết trồng sâm Tăk Rân, chúng tôi đến những vườn sâm Ngọc Linh nằm tít trên núi cao ở phía xa xa làng. 10 giờ sáng, hành trình leo núi bắt đầu. Vượt qua những con dốc dựng đứng, anh Đép lấy mấy khúc cây nhỏ ven đường đưa mỗi người một khúc, làm gậy chống đi cho đỡ mệt.

Đúng là kinh nghiệm của người hay đi rừng, chiếc gậy đã giúp chúng tôi phần nào vơi bớt cơn mệt nhọc. Hơn 01 giờ đồng hồ leo núi, cuối cùng những vườn sâm Ngọc Linh bạt ngàn xen dưới những tán rừng già đã hiện ra trước mắt.

Đầu tiên là vườn sâm của gia đình anh Nguyễn Thành Tiếu (29 tuổi). Anh Tiếu kể, với bà con làng Tăk Rân này, sâm Ngọc Linh không lạ, trước đây, nó là loại cây thuốc dấu mọc tự nhiên trong rừng. Ngày trước, nhiều thương lái vào thu mua nên bà con hay lên rừng đào về bán, chẳng biết trồng trọt và giữ giống như bây giờ.

Làng toàn thanh niên lập chốt trồng thứ cây quý như vàng dưới tán rừng âm u ở Quảng Nam - Ảnh 3.

 Những cây sâm Ngọc Linh đã bắt đầu ra hạt trong vườn sâm của anh Nguyễn Thành Tiếu tại chốt sâm Tăk Rân, xã xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).

Sau khi được huyện hỗ trợ xây dựng mô hình, thanh niên trong làng đã chủ động tìm nguồn giống, đi làm công đổi lấy cây giống và học hỏi thêm kỹ thuật trồng trọt để tăng năng suất. Sâm Ngọc Linh mất nhiều công chăm sóc, song, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên phát triển rất tốt. “Hiện gia đình tôi có khoảng 1000 gốc sâm Ngọc Linh đủ các độ tuổi. Trong đó, có hơn 100 gốc từ 5-7 tuổi đã ra hạt và cho thu hoạch. 

Bình quân một lon hạt giống có giá 120 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình lại gieo ươm, trồng mới từ 600-800 hạt giống sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, để “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình tôi còn trồng thêm gần 01 ha sâm Nam (đẳng sâm) từ nguồn giống do huyện cấp ở những diện tích đất trống trong rẫy vườn nhà. Sâm Nam đã cho thu hoạch, số tiền thu được đủ để tôi lo sinh hoạt phí cho cả nhà. Còn số tiền thu về khi bán sâm Ngọc Linh, vợ chồng tôi tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích.” - anh Tiếu tâm sự.

Leo lên triền núi cao hơn nữa là vườn sâm của anh Hồ Văn Đép, Trần Văn Xố, Đinh Văn Tiếng, Hồ Văn Thống, Hồ Văn Liêu,... Anh Đinh Văn Tiếng phấn khởi: “Từ ngày trồng sâm, gia đình không lo thiếu ăn, thiếu mặc. Mỗi khi gia đình cần vài trăm ngàn hay vài triệu đồng để lo liệu việc gì lại nghĩ ngay đến vườn sâm. Sắp tới, tôi sẽ trồng thêm 500-600 hạt giống để mở rộng diện tích, tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Anh Hồ Văn Đép cho biết, qua những mô hình đã thí điểm trên địa bàn cho thấy, mỗi 01 ha sâm đủ các độ tuổi có thể cho thu hoạch từ lá, hạt đến củ. Thế nhưng, “chưa vội làm giàu” và để giữ nguồn giống, Nhóm hộ này đã thống nhất nhau cách thu hoạch sâm theo hướng bền vững là chọn cây nhiều tuổi, củ to thu hoạch hạt giống trước, sau đó đến thu hoạch lá, cây nhỏ nhỏ tiếp tục nuôi dưỡng. Đó là lý do vì sao hiện nay mỗi ha sâm mới chỉ thu về từ 200-300 triệu đồng/năm.

Sâm Ngọc Linh hiện là cây kinh tế chủ lực giúp người dân Nam Trà My thoát nghèo bền vững. Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu trồng mới từ 15-20ha/năm (300-400 ngàn cây). 

Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và từ thành công của mô hình Nhóm hộ trồng sâm, huyện Nam Trà My tiếp tục chọn thêm những nhóm hộ đăng ký thoát nghèo tại các xã để giúp đỡ nguồn sâm giống. Hiện tại, các hộ gia đình đang học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật gieo trồng.

“Với giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn, nếu phát triển đúng hướng và có sự liên kết chặt chẽ trong giải quyết đầu ra sản phẩm thì sâm Ngọc Linh không chỉ là mô hình thoát nghèo mà còn giúp thanh niên trong huyện sớm làm giàu. 

Vì vậy, ngoài việc hỗ trợ, định hướng xây dựng mô hình, Huyện Đoàn đang nỗ lực giúp thanh niên trồng sâm hình thành các nhóm, tổ liên kết trồng sâm, tìm giải pháp liên kết với các doanh nghiệp để kết nối sản phẩm với thị trường trong và ngoài tỉnh” - Chị Nguyễn Thị Huyền Trang - Phó Bí thư Huyện đoàn Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết.