Cá rầm mùa lụt ở Quảng Nam là loài cá gì mà bắt được chỉ đem kho lá nghệ là thơm cả làng?

Thứ tư, ngày 13/04/2022 13:00 PM (GMT+7)
Món cá rầm kho lá nghệ lạ miệng, cũng là món ăn réo gọi ký ức trong trẻo đối với người vùng hạ lưu sông Vu Gia (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) mỗi mùa lụt tràn về...
Bình luận 0
Món cá rầm kho lá nghệ lạ miệng, cũng là món ăn réo gọi ký ức trong trẻo đối với người vùng hạ lưu sông Vu Gia (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) mỗi mùa lụt tràn về... 
Cá rầm mùa lụt ở Quảng Nam là loài cá gì mà bắt được chỉ đem kho lá nghệ là thơm cả làng? - Ảnh 1.

Cá rầm kho lá nghệ - món ngon mùa lụt vùng Vu Gia (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

Theo người dân vùng này, cá rầm là tên chung chỉ những con cá nhỏ ri rí thường thấy xuất hiện vào mùa lụt, chỉ bằng con tép nhỏ, hoặc bằng đầu mút đũa, bơi theo đàn. Để bắt được cá rầm, người dân vùng này hay sử dụng chiếc tủ, chiếc vó được quây bằng vải màn tuyn. Nhiều cơn lụt lớn nhỏ trên sông cũng là thời điểm thích hợp cho mùa sinh sôi, nảy nở của cá rầm. 

Năm nay, cá rầm thấy xuất hiện trên sông Vu Gia, trên ao hồ, các vũng nước sâu, ruộng đồng bị ngập trũng khá nhiều. Có nơi, cả xóm đi kéo cá rầm, mặc cho trời mưa, đêm hôm. Nhiều ngày qua, những rổ, thau đầy cá rầm tươi rói vừa lên khỏi mặt nước, nhiều con còn nhảy lia thia, thân ánh bạc lấp lánh đã có người tụm vào mua tại chỗ. Có nơi, các bà, các mẹ chỉ vừa bưng ra chợ, hay chỉ kịp ra tới đầu xóm, đầu ngõ, đã gặp người mua hết sạch.

Cái lạ là vùng Đại Lộc cá rầm không cân lạng, cân ký để bán mà được đong bằng những cái chén nhỏ, nhỉnh hơn chén bánh bèo, giá tầm vài chục nghìn đồng mỗi chén. Những con cá rầm tí xíu là đặc sản tạo hương vị bữa ăn mùa lụt thêm đậm đà. Cá rầm được ướp kỹ, rắc ít tiêu bột, cho vào nồi kho rim nhỏ lửa; lá nghệ rửa sạch, xắt nhỏ rí, rắc lên trên, rim khô vừa đủ, cá chín vừa, ngọt, có vị hơi nhẫn, bùi, quyện với mùi thơm lá nghệ, ngon không tả nổi.

Theo nhiều người dân, cá rầm là những bầy cá con do cá gáy, cá trảnh, cá chày, cá trôi… ở thượng nguồn theo con nước lụt đầu xuôi về đẻ trứng nở thành. Cá bố mẹ ức nước vượt lên đồng, lên ruộng đẻ trứng và trứng nở ra, cá con lại chờ con lũ cuối để ngược về nguồn cội rồi lại tiếp tục vòng đời sinh trưởng như cá bố mẹ. 

Dân gian dựa vào đặc tính cá rầm bơi thành đàn về nguồn biết đó là cơn lụt cuối là vậy. (Ngày nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình trạng xả lũ của thủy điện thì kinh nghiệm đó đã không còn áp dụng được nữa). 

Dọc sông Vu Gia, đoạn chân cầu Ái Nghĩa, nhiều người tranh thủ bắt cá rầm và ngạc nhiên khi cá về nhiều, điều mà ít thấy ở các trận lũ lụt đã qua. Nhìn những tủ lưới, những gọng vó cất lên đầy cá nhảy, ký ức tuổi thơ lại ùa về bên mâm cơm mẹ nấu, nơi con sông nặng trĩu phù sa...

Hoàng Liên (Báo Quảng Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem