Du khách khi đến Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có dịp trải nghiệm thú vị cùng người dân địa phương đi săn loài cá lạ, bắt cua với cách thức vô cùng đặc biệt (Clip: Hà Thanh)
Có dịp đặt chân đến mảnh đất Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chúng tôi như được trở về tuổi thơ của những ngày hè ra suối mò cua, bắt ốc, câu loài cá lạ.
Theo chân người dẫn đường, chúng tôi vượt qua một ngọn núi cao khoảng chừng 150m, lội qua một con suối nhỏ rồi men theo đường mòn quanh núi. Điểm dừng chân của chúng tôi là những lán cọ nhỏ được người dân địa phương dựng ngay bên bờ suối.
Khách đường xa không chỉ nghỉ ngơi, thư giãn, ngắm cảnh ở những lán cọ này, mà còn trải nghiệm tắm suối và nướng cá, nướng gà, thưởng thức những món ăn của núi rừng ở đây.
Chỉ cần bước qua ranh giới bên kia ngọn núi, chúng tôi cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của thời tiết nơi đây, tiết trời dịu nhẹ, mát mẻ, một cảm giác thật sự yên bình với không gian núi rừng hoang sơ, suối nước trong veo mát rượi.
Lũ trẻ con miền xuôi lần đầu bắt gặp cảnh tượng này dường như vô cùng thích thú. Chúng thỏa sức hò reo vui đùa dưới suối nước, té nước lên nhau cười đùa hồn nhiên.
Những món ăn hấp dẫn, độc đáo
Trong khi lũ trẻ mải nô đùa, chúng tôi phân công nhau mỗi người một việc. Đàn ông thì đi câu cá suối, phụ nữ lại lúi húi tìm củi khô để nướng gà, nướng cá, chuẩn bị cho một cuộc vui, cuộc hội ngộ được dự đoán trước với nhiều trải nghiệm thú vị.
Một vài đứa trẻ nhỏ vì tò mò cũng lăng xăng đi theo người lớn để tìm hiểu và học cách săn loài cá lạ. Nơi đây có một loại cá đặc biệt giống như cá bống cát, được người dân gọi là cá Khuy.
Cách thức câu loài cá lạ này của người nơi đây vô cùng đặc biệt. Họ không dùng cần câu và mồi câu, mà dùng một chiếc que nhỏ chỉ dài khoảng 50cm với một đầu được đậy dập rồi mắc mồi vào đó để câu.
Ngoài ra, người câu phải chuẩn bị thêm dụng cụ khác như rổ, rá, mũ cối hoặc lá cây rừng có bản rộng để hứng khi cá mắc câu và bị kéo lên khỏi mặt nước.
Theo kinh nghiệm của người dân bản địa, để câu được loại cá này, phải lựa chọn những vực nước trong, ở dưới chân các thác nước không quá sâu và không chảy xiết.
Anh Hoàng Quốc Thịnh, một người dân bản địa cho biết: "Cá Khuy là loại cá lạ, chỉ ở vùng nước sạch mới có. Phải người có kỹ thuật mới câu được cá này, vì cách thức câu của nó rất đặc biệt, không phải dùng cần câu mà dùng que mắc mồi vào đó. Khi cá cắn câu, người câu sẽ dùng rổ, rá để kéo cá lên và đựng vào đó."
Sau một hành trình vượt suối câu cá, những người đàn ông trở về khu vực lán nhỏ và đem theo "chiến lợi phẩm" là những giỏ cá, tép xen lẫn vài con cua núi, rồi bắt đầu các công đoạn chế biến hấp dẫn.
Sau khi làm sạch sẽ, một phần cá được gói trong lá chuối và đưa lên bếp lửa nướng đến khi chín và có mùi thơm.
Còn một phần cá còn lại sẽ được cho vào nồi nấu canh chua với các loại lá cây, gia vị trên rừng. Món cá suối nấu canh chua khi ăn có vị thanh, mát vô cùng hấp dẫn.
Ngoài ra, để đa dạng món ăn cho chuyến trải nghiệm, người dân có chuẩn bị thêm gà và thịt lợn để nướng. Gà sau khi được mổ và làm sạch, được kẹp và nướng trên bếp lửa hồng. Tương tự với thịt lợn, họ cũng thái thành từng miếng nhỏ rồi xiên vào những xiên tre, nứa, cây rừng để nướng.
Trong khi một vài người đang loay hoay nướng đồ ăn, những người còn lại đã chuẩn bị sẵn chỗ ngồi, trải chiếu, sắp bát đũa, ly, chén, dải lá cây trên lán để chờ đó những món ăn được mang lên và bày ra.
Thức ăn sau khi nướng chín được mọi người bày ra những chiếc lá chuối đã chuẩn bị sẵn.
Và sau đó, mọi người ngồi quây quần bên nhau, chúc nhau những chén rượu, thưởng thức những món ăn ngon và trò chuyện, kể cho nhau nghe về cuộc sống, về gia đình và những chuyến đi xa.
Khi cuộc vui còn đang tiếp diễn, lũ trẻ nhỏ lại rủ nhau lội suối bắt tép, tắm suối và trải nghiệm tiếp những niềm vui thú vị của chúng.
Còn những người lớn thì tiếp tục say sưa với những câu chuyện của họ, những câu chúc nhau sức khoẻ, những hứa hẹn về ngày hội ngộ tiếp theo và những tiếng cười nói giòn giã râm ran, âm vang khắp cả cánh rừng.