Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận đã cung cấp thông tin liên quan tới vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh Hồ Hoàng Anh tử vong vào ngày 28/6.
Ông Hoàng Văn Minh là người điều khiển xe ô tô mang biển kiểm soát 85A-074.07 gây ra tai nạn. Ông Minh hiện là quân nhân của Trung đoàn 937, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân đóng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Thượng tá Hà Công Sơn – Phó trưởng Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, đã chuyển toàn bộ hồ sơ, phương tiện và tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra hình sự khu vực 3, Quân chủng Phòng không - Không quân để điều tra theo thẩm quyền.
Ông Hà Công Sơn thông tin thêm, trong quá trình điều tra cũng đã xác định được hành vi của ông Hoàng Văn Minh, trong đó có việc chuyển hướng xe không an toàn gây tai nạn giao thông và dẫn tới chết người.
Hành vi này đã vi phạm quy tắc an toàn giao thông đường bộ và điều này cũng đủ để tiến hành khởi tố vụ án. Ông Sơn cho biết, đơn vị đang tiếp nhận điều tra vụ việc là Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 của Bộ Quốc phòng và đơn vị này cho biết sẽ sớm khởi tố vụ án.
Ông Thái Phương Phiên - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận đã gửi lời xin lỗi đến gia đình ông Hồ Hoàng Hùng và mong được tha thứ cho sai sót của nhân viên bệnh viện trong quá trình xét nghiệm nồng độ cồn của nữ sinh Hồ Hoàng Anh.
Trao đổi với PV Dân Việt về vụ việc này, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, qua clip trên mạng xã hội và trên báo chí cho thấy chiếc xe máy bị văng rất mạnh và nạn nhân đập vào cột điện, còn chiếc xe ô tô từ từ dừng lại...
Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, không sử dụng các phương tiện kỹ thuật, không thu thập được các dữ liệu tại thời điểm va chạm cũng như hướng di chuyển trước khi va chạm, rất khó có thể kết luận bên nào đúng, bên nào sai.
Ông Cường cho rằng, việc đánh giá bên nào có lỗi khiến vụ tai nạn xảy ra, phải căn cứ vào nhiều tình tiết chứng cứ để xác định tốc độ của 2 xe trước khi va chạm, xác định vị trí va chạm và khả năng quan sát, khả năng điều khiển hành vi của người điều khiển ô tô cũng như người đi xe máy.
Người điều khiển chiếc xe ô tô này sẽ không bị xử lý hình sự nếu như đi đúng tốc độ, đúng làn đường, chú ý quan sát, khi chuyển hướng có bật đèn tín hiệu.
Tuy nhiên, trường hợp kết quả xác minh cho thấy người điều khiển ô tô đã không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát, chuyển hướng không bật đèn tín hiệu dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự.
Trường hợp cả hai bên đều có lỗi, lỗi hỗn hợp, vẫn có thể xử lý người điều khiển chiếc xe ô tô này bằng chế tài hình sự.
Vị chuyên gia thông tin, theo quy định của pháp luật, hành vi của người tham gia giao thông mà xác định là có gây ra hậu quả nghiêm trọng (chết người), người điều khiển phương tiện gây tai nạn sẽ bị xử lý hình sự.
Như vậy, để khởi tố vụ án hình sự hay không khởi tố, việc xác định người điều khiển ô tô này có lỗi hay không, có vi phạm quy định về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông được bộ hay không là yếu tố quyết định.
"Trường hợp người lái xe ô tô là quân nhân, hồ sơ vụ việc có thể chuyển sang cơ quan điều tra hình sự quân đội để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Trường hợp có căn cứ xác định quân nhân vi phạm pháp luật, gây tai nạn giao thông, ngoài trường hợp bị xử lý hình sự, quân nhân có thể bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất về đảng là khai trừ và kỷ luật quân đội là loại ngũ" – ông Cường nêu quan điểm.
Ngoài ra, nói thêm về sai sót trong việc xác định nồng độ cồn của nữ sinh Hồ Hoàng Anh, ông Cường cho biết, sai sót này là không thể chấp nhận được. Đặc biệt là xác định nồng độ cồn đối với người đã chết, là nạn nhân của vụ tai nạn.
Cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ sai sót này là có chủ đích hay không. Trong trường hợp là lỗi vô ý, cũng cần xem xét kỷ luật thích đáng. Còn trường hợp sai sót là cố ý, có chủ đích, cần làm rõ ai là chủ mưu làm sai lệch hồ sơ vụ việc để xử lý hình sự.