Kẻ giả công an còng tay nhiều người rồi đòi tiền phạt có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 06/08/2022 18:15 PM (GMT+7)
Cơ quan công an tỉnh Đắk Nông vừa ra quyết định khởi tố về tội cướp tài sản đối với Vương Đức Tân, người tự nhận là công an, dùng còng số 8 còng tay nhiều người rồi đòi tiền nộp phạt. Luật hình sự quy định thế nào về tội cướp tài sản?
Bình luận 0

Giả công an còng tay nhiều người rồi đòi tiền phạt

Chiều 4/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Vương Đức Tân (35 tuổi, trú tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) để điều tra làm rõ hành vi cướp tài sản.

Trước đó, ngày 13/7, Tân đi môtô đến tiệm cắt tóc của chị Hồ Thị Mỹ Lệ ở xã Tâm Thắng, sau đó dùng còng số 8 khóa 2 tay chị Lệ.

Kẻ giả công an còng tay nhiều người rồi đòi tiền phạt có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Tân tại cơ quan điều tra - Ảnh: H.L.

Tân tự xưng là cán bộ công an huyện và nói chị Lệ có liên quan đến vụ án ma túy nên đề nghị nạn nhân nộp phạt 1 triệu đồng. Do quá hoảng sợ, chị Lệ đã đưa cho Tân 1 triệu đồng.

Sau khi lấy tiền chị Lệ, cùng ngày, Tân tiếp tục đến tiệm cắt tóc của chị Nguyễn Thị Kiều Oanh ở thành phố Buôn Ma Thuột, tự xưng là cán bộ công an huyện, dùng còng số 8 khóa tay chị Oanh và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 1 triệu đồng.

Tương tự, Tân tiếp tục đến 1 tiệm cắt tóc ở huyện Cư Jút trói tay chủ tiệm, yêu cầu nộp tiền vì vi phạm khai báo lưu trú, tạm trú...

Sau khi xảy ra sự việc, biết mình bị lừa nên ngày 17/7, các nạn nhân đến cơ quan công an trình báo.

Cùng ngày Tân đến cơ quan điều tra đầu thú. Tổng cộng Tân đã chiếm đoạt 1,4 triệu đồng và 1 chiếc điện thoại di động.

Khung hình phạt của tội cướp tài sản?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của Tân đã có dấu hiệu của tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015, nên cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam là đúng quy định pháp luật.

Theo vị luật sư, cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của họ hoặc do họ quản lý.

Mặt khách quan của tội cướp tài sản có một trong các dấu hiệu sau: Có hành vi dùng vũ lực, là hành vi của người phạm tội dùng sức mạnh có tính vật chất tác động vào thân thể của người chủ tài sản hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản hoặc bất cứ người nào cản trở việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

Có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, đó là hành vi cụ thể của người phạm tội biểu hiện cho người bị tấn công biết rằng người phạm tội có thể dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người bị tấn công có hành vi cản trở việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

Có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Được hiểu là hành vi mà người phạm tội có thể thực hiện thông qua cử chỉ, lời nói, thái độ hoặc hành động với mục đích làm cho người bị tấn công bị tê liệt ý chí kháng cự để chiếm đoạt tài sản.

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Đặc biệt, thời điểm hoàn thành của tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm (một trong các hành vi đã nêu ở trên).

Hậu quả có lấy được tài sản hay không, giá trị tài sản ít hay nhiều không làm ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.

Về hình phạt, luật sư Hòe cho biết, tội danh này có 4 khung hình phạt chính. Khung 1 (khoản 1) có mức phạt tù từ 3 đến 10 năm. Khung hai (khoản 2) có mức phạt tù từ 7 đến 15 năm nếu phạm tội có tổ chức; Có tính chất nguy hiểm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%...

Khung ba (khoản 3) có mức phạt tù từ 12 đến 20 năm nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 đến dưới 500 triệu đồng…

Khung bốn (khoản 4) có mức phạt tù từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Làm chết người…

Như vậy, sau khi khởi tố, người bị chứng minh phạm tội cướp tài sản, tùy tính chất mức độ mà có thể phải đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem