Tuyến kênh thủy lợi Hồng Đà bị phá hủy: Thực hiện ngược quy trình!

Hoan Nguyễn Thứ bảy, ngày 06/08/2022 08:37 AM (GMT+7)
Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ khẳng định, việc phá hủy kênh thủy lợi Hồng Đà khi chưa có phương án thay thế là ngược quy trình.
Bình luận 0

Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh việc phá hủy kênh thủy lợi Hồng Đà là hành vi tự ý của đơn vị chủ đầu tư, thi công.

Trước đó, Dân Việt đã có bài viết "Phú Thọ: Tuyến kênh thủy lợi duy nhất bị phá hủy, nông dân lo mất trắng cả mùa vụ".

Trung tâm Phát triển hạ tầng và Dịch vụ KCN tỉnh Phú Thọ (thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh Phú Thọ) là chủ đầu tư dự án KCN Trung Hà giai đoạn 2 và đang san lấp mặt bằng tại khu vực xứ đồng Hồng Đà.

Trong quá trình thi công, đơn vị đã san lấp vào kênh thủy lợi Hồng Đà đang phục vụ tưới tiêu cho hơn 60 ha đất trồng lúa của người dân.

Tuyến kênh thủy lợi Hồng Đà bị phá hủy: Hành vi ngược quy trình - Ảnh 2.

Cận cảnh kênh thủy lợi Hồng Đà bị phá hủy. Ảnh: Hoan Nguyễn

Ngay khi phát hiện vụ việc kênh thủy lợi Hồng Đà (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị phá hủy, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu huyện Tam Nông thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều.

Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu Ban quản lý các KCN tỉnh Phú Thọ chỉ đạo chủ đầu tư trong quá trình thi công dự án mở rộng KCN Trung Hà không làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi trong khu vực dự án khi chưa hoàn thành phương án thay thế các công trình sẵn có; không làm ảnh hưởng việc cấp nước phục vụ sản xuất và tiêu thoát nước trong khu vực.

Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ khẳng định, chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện mở rộng KCN Trung Hà tự ý phá hủy kênh thủy lợi Hồng Đà khi chưa có phương án thay thế là ngược quy trình, vi phạm khoản 3 Điều 8 Luật Thủy Lợi.

"Đối với tuyến kênh Hồng Đà bị phá hủy, trước mắt để đảm bảo việc cấp nước phục vụ sản xuất hơn 60ha diện tích đất nông nghiệp, chủ đầu tư phải khắc phục ngay bằng kênh đất.

Đồng thời, trải bạt trong lòng kênh đảm bảo vận chuyển nước, không để thất thoát nước ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất trong khu vực trên cơ sở có hướng dẫn, phối hợp của Công ty TNHH Nhà nước MTV Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ. Chậm nhất, ngày 5/8 phải thực hiện xong và bơm cấp nước tưới tiêu cho bà con nông dân sản xuất nông nghiệp.

Về lâu dài, phải có phương án xây dựng tuyến kênh thay thế và được sự chấp thuận của Công ty TNHH Nhà nước MTV Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ, thời gian hoàn thành xong trước ngày 31/10/2022", Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh.

Ông Bình cho biết thêm, kênh thủy lợi Hồng Đà cấp nước từ trạm bơm Thượng Nông do Công ty TNHH Nhà nước MTV Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ quản lý dài 2,7km (kích thước BxH=0,8mx1,4m) đã được kiên cố (đáy đổ bê tông, thành kênh xây gạch).

Qua kiểm tra thực tế, kênh bị phá hủy hoàn toàn khoảng 400m để thực hiện dự án mở rộng KCN Trung Hà. Đây là tuyến kênh duy nhất phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp tại xứ đồng Hồng Đà.

Do vậy, việc kênh bị phá hủy gây bức xúc cho bà con, làm ảnh hưởng lớn đến việc quản lý vận hành, cấp nước của ngành nông nghiệp.

Tuyến kênh thủy lợi Hồng Đà bị phá hủy: Hành vi ngược quy trình - Ảnh 3.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ khẳng định, việc phá hủy kênh thủy lợi Hồng Đà khi chưa có phương án thay thế là ngược quy trình. Ảnh: Hoan Nguyễn

Cũng theo ông Bình, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ không nhận được bất cứ thông báo nào của huyện Tam Nông và Trung tâm phát triển hạ tầng và dịch vụ KCN tỉnh Phú Thọ về việc tham gia ý kiến thu hồi đất nông nghiệp, đặc biệt là kênh thủy lợi Hồng Đà để phục vụ dự án mở rộng.

Về nguyên tắc, trước khi thực hiện dự án mở rộng KCN Trung Hà, các bên liên quan thực hiện công tác khảo sát, kê khai đất, tài sản trên đất thu hồi, đền bù.

Trong trường hợp có kênh thủy lợi nằm trong diện tích đất thu hồi phải thông báo, xin ý kiến tham gia ngành nông nghiệp để chủ động có kế hoạch phương án thay thế đảm bảo tưới tiêu nông nghiệp cho bà con khi thu hồi, phá bỏ kênh thủy lợi cũ.

Việc chủ đầu tư, đơn vị thi công dự án tự ý phá hủy kênh thủy lợi, không có phương án cấp nước thay thế là ngược quy trình, cầm đèn chạy trước ô tô, trách nhiệm thuộc về UBND huyện, chủ đầu tư.

"Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ đã báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ để tỉnh xem xét, giải quyết đúng quy định," ông Bình nói.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem