Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sáng 6/8, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, sau khi nắm thông tin về trường hợp một bé gái 11 tuổi ngụ trên địa bàn bị hành hung, lực lượng đã vào cuộc điều tra và đã xác định, nạn nhân trong đoạn clip dài hơn 4 phút là cháu N.T.B.N.
Người thực hiện hành vi bạo hành là cha cháu bé - Nguyễn V. T. (SN 1988, ngụ thôn Nam Mới, xã Cương Gián).
Theo đó, vào đêm ngày 27/7, cháu N. tới nhà một người bác của mình để chơi rồi ngủ qua đêm tại đây mà quên không xin phép ông T.
Chỉ vì điều này, mà đến trưa hôm sau (28/7), cháu N. đã bị cha bắt cởi hết quần áo, sau đó dùng áo quấn quanh cổ tay, rồi dùng dây thừng buộc bên ngoài, treo cháu lên xà nhà và dùng roi đánh vào mông.
Trong khi đánh con, ông T. đưa điện thoại cho con trai là N.N.T (SN 2010) quay video và dặn dò: "không được cho ai xem". Khi được bố thả ra, cháu N. và T. đến nhà bà ngoại ở thôn Tân Trù (xã Xuân Liên) chơi.
Tại đây, cậu ruột của 2 cháu là ông T.Đ.T (SN 1974), sau khi nghe các cháu kể lại sự việc đã dùng điện thoại quay lại video từ điện thoại của ông T. (điện thoại do cháu T. mang theo).
Xác minh vụ việc, công an huyện đã triệu tập ông T. lên làm việc, tuy nhiên người này vắng mặt tại nơi cư trú. Hiện, tâm lý của 2 cháu đã ổn định và đang được người thân, chính quyền địa phương chăm sóc, động viên.
Hành vi của người cha có thể bị xử lý hình sự hay hành chính?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây nhiều vụ án hành hạ trẻ em xảy ra thường xuyên, đây là một thực trạng hết sức đau lòng.
Luật sư Khuyên nhận định, trường hợp bố cháu bé ở Hà Tĩnh lột trần quần áo của con sau đó trói tay và treo lên trần nhà và hành hạ, bắt nguồn từ nguyên nhân rất nhỏ nhặt. Hành vi của này có dấu hiệu của tội "Hành hạ con" theo quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự.
Còn nếu việc hành hạ cháu bé để lại thương tích, dù là thương tích dưới 11% vẫn có thể xử lý về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 với tình tiết định khung có tính chất côn đồ, với người dưới 16 tuổi.
Trong khi đó, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 1, Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, bạo lực gia đình được hiểu là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng…
Theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 1,5 triệu đồng.
Nếu sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối sẽ bị phạt tiền từ 1,5 đến 2 triệu đồng.
Từ phân tích trên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi của người bố, tùy tính chất mức độ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.