Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM có nhận được một số thắc mắc của bạn đọc về những tình huống xảy ra liên quan đến tiền lương, chế độ ốm đau… của người lao động (NLĐ) trong quá trình làm việc tại các doanh nghiệp (DN).
Cơ quan BHXH đã giải đáp những thắc mắc của bạn đọc xoay quanh vấn đề trên.
Bạn đọc: Trường hợp NLĐ làm việc hai nơi tại hai DN khác nhau thì việc đóng BHXH của các DN sẽ được thực hiện như thế nào?
+ Bảo hiểm xã hội TP.HCM: Căn cứ Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn dưới luật quy định NLĐ đồng thời có từ hai hợp đồng lao động (HĐLĐ) trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo HĐLĐ giao kết đầu tiên. Đối với việc đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng HĐLĐ.
Như vậy, NLĐ khi giao kết hai HĐLĐ trở lên thì DN có HĐLĐ giao kết đầu tiên với NLĐ sẽ đóng 32% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và DN thứ hai đóng 0,5% vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo Nghị định 38/2022, quy định về lương tối thiểu lại không đề cập mức 7% đối với NLĐ đã qua đào tạo. Như vậy, mức lương tối thiểu tham gia BHXH của đối tượng NLĐ đã qua đào tạo từ ngày 1-7-2022 quy định như thế nào?
+ Trước đó, theo Nghị định 90/2019 quy định NLĐ làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề (tức có bằng nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học…) thì được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Trong Nghị định 38/2022 có hiệu lực từ ngày 1-7-2022, nội dung trên không quy định. Tuy nhiên, nghị định này nêu rõ mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương cho NLĐ áp dụng hình thức trả lương theo tháng. Đồng thời, yêu cầu các DN khi trả lương phải bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của NLĐ làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường, không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Vừa rồi tôi bị mất giấy nghỉ hưởng BHXH. Xin hỏi tôi có thể xin bệnh viện cấp lại được không?
+ Theo khoản 5 Điều 26 Thông tư 56/2017 của Bộ Y tế, cơ sở khám chữa bệnh nơi đã cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH có trách nhiệm cấp lại những giấy tờ trên cho các trường hợp bị mất, bị hỏng; người ký các giấy chứng nhận không đúng thẩm quyền…
Như vậy, NLĐ có thể liên hệ cơ sở khám chữa bệnh nơi đã cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để được cấp lại theo quy định.
NLĐ đã nghỉ hưởng chế độ khám thai đủ năm lần trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, khi khám thai ở lần thứ sáu, bệnh viện vẫn cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Như vậy, đối với lần khám thai thứ sáu thì NLĐ có được thanh toán chế độ ốm không?
+ Theo quy định, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai năm lần, mỗi lần một ngày. Những trường hợp ở xa cơ sở khám chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám thai. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khám thai tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Như vậy, NLĐ không được thanh toán chế độ ốm đau cho lần khám thai thứ sáu, do trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện khám thai.