Dân Việt

Đánh thức kho báu khổng lồ ở thủ phủ cây ăn trái miền Bắc

Tuệ Linh 17/08/2022 09:30 GMT+7
Với 266.700ha trồng cây ăn quả, sản lượng trái cây đạt 2 triệu tấn, khu vực trung du và miền núi phía Bắc (MNPB) đã hình thành những vùng sản xuất cây ăn quả hàng hoá tập trung quy mô lớn, có liên kết chuỗi, đạt tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Định hình "vựa" cây ăn quả phía Bắc

Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững.

Với mục tiêu trên, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo triển khai đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 -2025. Trong đó, sẽ hình thành và phát triển 14.000ha cây ăn quả vùng MNPB (Hòa Bình và Sơn La) và 60.200ha cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười.

Vùng trung du, miền núi phía Bắc: Phát triển mối liên kết sản xuất cây ăn quả - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng nhãn chín muộn tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn Chiềng Mung (tiểu khu Nà Sản, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, Sơn La). Ảnh: T.L

Theo ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị cây ăn quả ở các tỉnh MNPB. 

Từ đó sẽ phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thu hút doanh nghiệp đầu tư; giảm rủi ro trong sản xuất và thương mại sản phẩm. Quản trị vùng nguyên liệu tốt sẽ giúp cải thiện tổ chức sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch…

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La được khởi công vào tháng 9/2020. Để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy, Doveco Sơn La đã triển khai phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình với 5 loại cây trồng. Hiện diện tích dứa đã đạt 350ha, chanh leo 270ha, ngô ngọt và đậu tương rau, trung bình 500ha/vụ.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, thực tế cho thấy việc phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả theo hướng bền vững vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Diện tích cây ăn quả còn phân tán, chưa tập trung; lưu thông hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn do phát triển giao thông chưa đáp ứng với nhu cầu sản xuất. 

Năng lực sơ chế, chế biến rau quả của vùng còn thiếu; nguồn cung nguyên liệu chưa ổn định và mang tính đặc thù theo mùa vụ nên các nhà máy chế biến chỉ hoạt động đạt khoảng 30-50% công suất thiết kế…

Phát huy vai trò của các bên trong mối liên kết

Ông Lò Văn Thái đến từ bản Ngà Phát (xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) tỏ ra băn khoăn về biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên cây nhãn. 

Trả lời câu hỏi này, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Các loại sâu gây bệnh cho cây nhãn gồm bọ xít, sâu đục quả nhãn, rệp sáp, thán thư… 

Để phòng trừ sâu bệnh, sau khi thu hoạch quả, cần cắt tỉa các cành già yếu, sâu bệnh và tạo tán cho cây; bón phân trả lại sức khỏe cho cây; tiến hành phun thuốc trừ sâu để hạn chế nguồn bệnh.

Giai đoạn chuẩn bị ra hoa, người dân cần chủ động quản lý sâu bệnh và phun thuốc trước khi cây ra hoa, đảm bảo duy trì độ ẩm đủ cho cây phát triển mầm hoa, đậu quả tốt.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hoàng Văn Hồng nhấn mạnh, việc phát triển cây ăn quả trong khu vực sẽ giúp nông dân và địa phương phát triển kinh tế - xã hội, qua đó, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển ngành nông nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Cùng đó, các tiến bộ kỹ thuật mới sẽ được áp dụng vào sản xuất trên quy mô lớn như giống mới, rải vụ, cơ giới hóa, áp dụng quy trình thâm canh, VietGAP, hữu cơ, sản xuất đạt chất lượng xuất khẩu, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sơ chế, bảo quản, đóng gói, liên kết tiêu thụ...

Theo ông Hồng, để tạo mối liên kết bền vững trong phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả thì vai trò của chính quyền địa phương, của HTX trong việc gắn kết với doanh nghiệp rất là quan trọng. 

"Muốn liên kết bền vững thì phải có uy tín của cả các bên. Trong đó HTX, người nông dân phải tổ chức sản xuất làm sao đủ sản lượng, chất lượng và cung ứng theo yêu cầu, thời gian của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp phải uy tín với người nông dân. Đó là phải có hợp đồng cam kết thu mua sản phẩm với sản lượng ổn định, đúng giá cả tại từng thời điểm…" - ông Hồng nói.