Cục hàng không vừa có văn bản yêu cầu Pacific Airlines phải báo cáo lại Cục trước ngày 10/8 do Hãng này âm vốn và không duy trì được vốn tối thiểu theo Nghị định 89. Do đó, giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của hãng bay này sẽ bị hủy bỏ theo quy định của pháp luật nếu không bổ sung thêm vốn để duy trì.
Theo Báo cáo tài chính có kiểm toán của Pacific Airlines năm 2020 và 2021, vốn chủ sở hữu của hãng bay này lần lượt âm 2.275 tỷ và âm 4.583 tỷ đồng. Hai năm liên tiếp, hãng này không đáp ứng được điều kiện vốn tối thiểu 600 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không có đội máy bay từ 11 đến 30 chiếc.
Đáng chú ý, Pacific Airlines đang là một thành viên của Vietnam Airlines Group và được hãng hàng không quốc gia nắm hơn 90% cổ phần. Vietnam Airlines coi Pacific Airlines là hãng bay thành viên, đáp ứng phân khúc giá rẻ (low-cost).
Ngồi "ghế nóng" đúng giai đoạn khó khăn nhất của ngành hàng không với 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hoành, trò chuyện với PV Dân Việt, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã nêu ra hàng loạt những khó khăn thách thức và giải pháp tái cơ cấu lại Vietnam Airlines và Pacific Airlines.
Thưa ông! nhận nhiệm vụ với vai trò là Tổng giám đốc Vietnam Airlines vào đúng thời điểm nhạy cảm, khi Vietnam Airlines đang khó khăn. Trước đó, ông cũng có thời gian điều hành Pacific Airlines ở giai đoạn khó khăn, dường như ông có một cơ duyên thường xuyên ngồi vào vị trí khó, cảm nhận của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cảm thấy mình được tin tưởng và được giao nhiệm vụ lao vào những chỗ khó.
Ngược dòng quá khứ ở thời điểm năm 2012, khi đó tôi nhận nhiệm vụ ở Pacific Airlines và thấy được lãnh đạo các cấp đánh giá và tin tưởng.
Từ những khó khăn đã cho tôi vừa được tham gia làm việc vừa cho tôi những bài học kinh nghiệm. Đến giai đoạn này, còn tiếp tục khó khăn hơn nữa với tôi, nhưng tôi từ khó khăn cũng là cơ hội để tôi cố gắng, nỗ lực hơn nữa.
Ông là người từng điều hành ở các Công ty Hàng không khác nhau, bao gồm cả Pacific Airlines và Hãng hàng không quốc gia, ông thấy sự khác biệt và những khó khăn của ngành hàng không ở Việt Nam như thế nào?
Với Vietnam Airlines, ngành nghề chính là kinh doanh vận tải hàng không, còn đối với các doanh nghiệp khác có thể họ còn có các hệ sinh thái kinh doanh khác như: Kinh doanh vận tải hàng không, kèm tài chính, du lịch...
Trong mô hình hoạt động mỗi hãng hàng không có chiến lược riêng của mình, và có tập khách hàng riêng của mình. Vietnam Airlines hướng tới phục vụ hành khách có nhu cầu chất lượng cao và có khả năng chi trả cao hơn, còn với Pacific Airlines hướng tới khách hàng có nhu cầu đi vé máy bay giá rẻ nhất, hãng cố gắng cắt giảm chi phí để phục vụ đối tượng nhạy cảm về giá.
Hai mô hình hoạt động này rất khác nhau, rất may tôi cũng đã từng làm việc ở Pacific Airlines nên khá hiểu rõ về mô hình hoạt động và không thể nhập 2 mô hình này với nhau.
Thị trường hàng không Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ và Vietnam Airlines tin rằng cả hai mô hình kinh doanh đều có cơ hội tiếp tục phát triển.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, hàng không còn khó khăn rất nặng nề từ giá nhiên liệu tăng cao. Vietnam Airlines còn phải thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu với Pacific Airlines khi đang âm vốn khá nặng và có thể phải tạp dừng hoạt động kinh doanh, ông đánh giá khả năng vực dậy này như thế nào?
Câu hỏi này rất hay và khá thú vị...! thực tế, không riêng gì ngành hàng không mà trong hai năm 2020-2021 dịch Covid-19 làm cho cả thế giới phải chao đảo, tất cả các hoạt động kinh tế xã hội đều phải tạm dừng hết.
Tính riêng năm 2020 hàng không thế giới lỗ 130 tỷ USD, năm 2021 lỗ khoảng 35 tỷ USD. Đến năm 2022, Hiệp hội hàng không thế giới dự báo ngành hàng không tiếp tục lỗ 9,7 tỷ USD, trong đó do thị trường Âu Mỹ mở cửa sớm hơn, nên mức lỗ nhiều nhất sẽ rơi vào vùng Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Dịch Covid-19 khiến tại Đông Nam Á hầu hết các hãng hàng không đều lâm tình trạng khó khăn. Thậm chí, là một số hãng phải đề nghị bảo hộ phá sản, như Thai Airways, Malaysia Airlines, Philippine Airlines, Garuda Indonesia... Riêng Singapore Airlines có được gói hỗ trợ của Chính phủ, theo đuổi chiến lược đầu tư cực mạnh tới khoảng 20 tỷ USD để bứt phá.
Tại Việt Nam các hãng hàng không cũng gặp rất nhiều khó khăn trong đó, Vietnam Airlines cũng không phải ngoại lệ. Dịch Covid-19 buộc các hãng hàng không trong đó có Vietnam Airlines nhìn lại mình, tái cơ cấu, cắt giảm mọi chi phí hoạt động.
Vietnam Airlines đã tái cơ cấu đội máy bay, sắp xếp lại bộ máy cho gọn nhẹ hiệu quả hơn, cơ cấu một số hướng hoạt động.
Trong kế hoạch của Vietnam Airlines đã có mục tái cơ cấu Pacific Airlines và đang tìm kiếm cổ động có năng lực cả về tài chính và vận hành để tham gia cùng Vietnam Airlines tạo thêm nguồn lực cho Pacific Airlines.
Về chiến lược tháo gỡ khó khăn và vực dậy Pacific Airlines, chúng tôi khẳng định rằng: "Chắc chắn Vietnam Airlines rất cần Pacific Airlines".
Tại sao chúng tôi lại rất cần Pacific Airlines? như tôi đã nói ở trên: "Vietnam Airlines cần Pacific Airlines để khai thác đối tượng khách hàng có nhu cầu đi máy bay giá rẻ".
Cho đến nay, Vietnam Airlines đã nhận được thông tin tích cực từ 3 nhà đầu tư quan tâm tới Pacific Airlines. Hiện, Vietnam Airlines đang tiến hành các bước đàm phán để tái cơ cấu lại Pacific Airlines.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Báo cáo tài chính có kiểm toán của Pacific Airlines năm 2020 và 2021, vốn chủ sở hữu của hãng bay này lần lượt âm 2.275 tỷ và âm 4.583 tỷ đồng.
Pacific Airlines không đáp ứng được điều kiện vốn tối thiểu 600 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không có đội máy bay từ 11 đến 30 chiếc.
Theo quy định tại Nghị định 89, nêu rõ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không bị hủy bỏ trong trường hợp "không duy trì vốn tối thiểu trong thời gian 3 năm liên tục".
Cục Hàng không Việt Nam cho biết: "Nếu Pacific Airlines không bổ sung thêm vốn để duy trì vốn tối thiểu theo Nghị định 89 thì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của hãng bay này sẽ bị hủy bỏ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tình hình nêu trên, Cục Hàng không đã yêu cầu Pacific Airlines báo cáo tổng quan về tình hình hoạt động của hãng, trong đó cung cấp báo cáo tài chính, mạng bay, sản lượng và thị phần vận chuyển 6 tháng đầu năm 2022....