Pacific Airlines đổi tên không thể đổi vận, 2 năm dịch lỗ hơn 4.000 tỷ đồng
Pacific Airlines đổi tên không thể đổi vận, 2 năm dịch lỗ hơn 4.000 tỷ đồng
Hồng Phúc
Thứ năm, ngày 30/06/2022 08:30 AM (GMT+7)
Từ thương hiệu Pacific Airlines, rồi Jetstar Pacific, sau đó lại quay về Pacific Airlines, thay đổi luôn nhận diện nhưng Pacific Airlines vẫn chưa hết lận đận.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - doanh nghiệp sở hữu hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines, nhận định tình hình tài chính của Pacific Airlines đang rất nghiêm trọng. Trong một thập kỷ qua, Pacific Airlines lỗ nhiều hơn lãi, tổng lỗ hai năm Covid-19 hơn 4.400 tỷ đồng.
Pacific Airlines có khả năng chấm dứt hoạt động
Sức khỏe tài chính không mấy khả quan của Pacific Airlines đã được ban lãnh đạo Vietnam Airlines nhắc đến trong báo cáo thường niên 2021 gửi cổ đông trước kỳ đại hội. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm 28/6, Pacific Airlines tiếp tục thành chủ đề "nóng".
"Đến thời điểm hiện nay (tháng 6/2022), tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động", ban lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin.
Năm 2021, thị trường hàng không nội địa chịu ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch liên tiếp làm nhu cầu đi lại suy giảm nghiêm trọng. Từ tháng 7-9/2021, Pacific Airlines hầu như không còn khai thác các chuyến bay nội địa thường lệ, chỉ thực hiện vài chuyến bay hồi hương quốc tế và thuê chuyến. Từ tháng 10/2021, thị trường nội địa được khai thác trở lại nhưng rất hạn chế.
Giá nguyên liệu bình quân cả năm 72,61 USD/thùng (tăng 13,3% so với dự kiến đầu năm) đã làm phát sinh thêm chi phí.
Trước tình hình này, Vietnam Airlines đã đàm phán với nhà cung cấp giãn, hoãn thanh toán, hỗ trợ giảm giá nhằm giúp Pacific Airlines vượt qua khủng hoảng.
Song do phải ngừng khai thác quốc tế, thị trường nội địa gần như đóng băng nên Pacific Airlines lỗ 2.308 tỷ đồng trong năm 2021.
Phía Vietnam Airlines cũng cho biết thực hiện chủ trương đã được cơ quan nhà nước phê duyệt, HĐQT đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp duy trì hoạt động trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines.
"Quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước", phía Vietnam Airlines cho hay.
Trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới, hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines tiếp tục được tổ chức hoạt động khai thác tối thiểu, tinh giản bộ máy, tận dụng nguồn lực chung với VNA Group để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, khả năng phối hợp sản phẩm với Vietnam Airlines.
Lận đận như Pacific Airlines
Đi theo phân khúc giá rẻ - một phân khúc được đánh giá rất tiềm năng trong ngành hàng không, Vietjet cũng rất thành công khi đi theo hướng này, nhưng với Pacific Airlines lại không dễ dàng như vậy.
Trước dịch Covid-19, Pacific Airlines khi đó là Jetstar Pacific đã có gần một thập kỷ lỗ nhiều hơn lãi (tên cũ là Jetstar Pacific, giữa năm 2020, Vietnam Airlines đổi tên thành Pacific Airlines sau khi Quantas (Australia) thoái vốn khỏi Jetstar Pacific).
Năm 2012, Jetstar Pacific lỗ hơn 400 tỷ đồng, sang năm 2013, hãng tiếp tục lỗ 273 tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2015, tình hình kinh doanh của Jetstar Pacific dần phất lên trở lại, ghi nhận mức lãi lần lượt là 8 tỷ và 112 tỷ đồng. Đà tăng nhanh chóng đứt gãy và rớt đáy, khi lỗ hơn 900 tỷ đồng trong năm tài chính 2016.
Giai đoạn 2018-2019, Jetstar Pacific mới dần có lãi trở lại, lần lượt là 34 tỷ đồng và 205 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2019, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết quá trình tái cấu trúc Jetstar Pacific kể từ khi tiếp nhận đã vượt qua giai đoạn gian nan nhất và việc tái cấu trúc đã cơ bản hoàn thành. Nhờ vậy mà từ chỗ lỗ nặng, hãng đến bớt lỗ hơn, đạt điểm hòa vốn và có lợi nhuận từ năm 2018, dự kiến đà tăng tốt hơn vào các năm tới. Khi đó, Vietnam Airlines đang sở hữu khoảng 68% cổ phần Jetstar Pacific.
Giữa năm 2020, Quantas - sở hữu 30% cổ phần Jetstar Pacific, thoái vốn khỏi Jetstar Pacific và chuyển giao toàn bộ số cổ phần này cho Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines nhanh chóng thay đổi thương hiệu từ Jetstar Pacific thành Pacific Airlines, thay đổi diện mạo nhận diện đội tàu bay cũng như đội ngũ tiếp viên từ màu cam chủ đạo sang xanh như hiện nay. Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa kịp để Pacific Airline phất lên thì gặp ngay Covid-19.
Năm 2020, doanh thu thuần của Pacific Airlines giảm 70% so với năm 2019, chỉ còn gần 2.600 tỷ đồng. Từ mức lãi 205 tỷ trong năm 2019, gặp dịch Covid-19, hãng lỗ ròng hơn 2.100 tỷ đồng. Sang năm 2021, số lỗ kỷ lục lên đến hơn 2.300 tỷ đồng, theo số liệu công bố mới nhất của Vietnam Airlines.
Lận đận về tài chính chỉ là một mặt, số phận Pacific Airlines còn lận đận khi trải qua nhiều lần hợp-tách của các nhà đầu tư. Từ thương hiệu Pacific Airlines ban đầu năm 1991, rồi Jetstar Pacific năm 2007 khi Quantas mua lại cổ phần của Pacific Airlines. Năm 2020, Quantas rời đi, thương hiệu Pacific Airlines quay trở lại. Và hiện Vietnam Airlines đang tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.