Dân Việt

Vụ quân nhân lái xe tông chết nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận: Có thể tước quân tịch nếu bị tuyên phạt tù

Quang Đăng 12/08/2022 21:01 GMT+7
Theo Quyết định khởi tố bị can số 08/QĐ-KTBC ngày 10/8 của Cơ quan Điều tra hình sự Khu vực 3- Quân chủng Phòng không - Không quân, bị can Hoàng Văn Minh đã bị khởi tố theo khoản 1 điều 260 Bộ Luật hình sự.

Có thể tước quân tịch Quân đội nhân dân nếu bị phạt tù

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Lê Nguyễn Lê Vi, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, với hành vi vi phạm như trên thì có thể căn cứ các bộ luật sau để áp dụng xử lý. 

Theo Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2014, Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015, Luật Hình sự 2015 (Sửa đổi bổ sung 2017) và Thông tư 16/2020/TT-BQP để xử lý việc tước quân tịch quân đội nhân dân của bị can Hoàng Văn Minh.


Vụ quân nhân lái xe tông chết nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận: Có thể tước quân tịch nếu bị tuyên phạt tù - Ảnh 1.

Các cơ quan chức năng dự lại hiện trường vụ TNGT khiến nữ sinh tử vong. Ảnh: Đức Cường.

Theo luật sư Lê Nguyễn Lê Vi, căn cứ theo Điều 49 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên Quốc Phòng về Xử lý vi phạm và Điều 40 Thông tư 16/2020/TT-BQP về xử lý kỷ luật đối với người vi phạm pháp luật bị toàn án tuyên có tội và áp dụng hình phạt.

Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 40, Thông tư 16 của Bộ quốc phòng nêu rõ "quân nhân Vi phạm pháp luật bị tòa tuyên án phạt tù và phải chấp hành hình phạt tại trại giam thì bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân (đối với quân nhân) và buộc thôi việc (đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng). 

Trong trường hợp này, theo luật sư Lê Vi thiếu tá Hoàng Văn Minh mới chỉ bị khởi tố, chưa tiến hành các bước truy tố và chưa có bản án của toà nên chưa có căn cứ để thực hiện quy định về tước quân tịch quân đội nhân dân. 

Tuy nhiên, nếu có bản án được tòa tuyên án phạt tù và phải chấp hành hình phạt tại trại giam, khi đó cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng sẽ có căn cứ theo các quy định đã nêu trên để tiến hành các bước trong quá trình tước quân tịch quân đội nhân dân của thiếu tá Hoàng Văn Minh.

Tước danh hiệu quân nhân là xoá tên khỏi danh sách quân nhân và tước mọi quyền lợi mà bản thân quân nhân và gia đình được hưởng về quân nhân đó. Sau khi bị tước danh hiệu quân nhân, thì cá nhân đó không còn được đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam. 

 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 không quy định "tước danh hiệu quân nhân" là hình phạt bổ sung nữa. Đây là một hình thức xử lý kỷ luật áp dụng cho đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định tại Thông tư 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng. Như vậy, nếu vi phạm những điều trên, sĩ quan trong Quân đội sẽ bị tước quân hàm, kể cả sĩ quan cấp tướng.

Khung hình phạt tù từ 1-5 năm 

Trước đó, Cơ quan Điều tra hình sự khu vực 3- Quân chủng Phòng không - Không quân có quyết định khởi tố bị can số 08/QĐL-KTBG , lệnh bắt tạm giam 2 tháng 27 ngày đối với bị can Hoàng Văn Minh (SN 1986) thường trú khu phố 2, phường Mỹ Bình, TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận). 

Ông Minh là cán bộ của Trung đoàn Không quân 937, Quân chủng Phòng không - Không quân đã vi phạm vi phạm Khoản 1, Điều 260, Bộ Luật hình sự. 

Vụ quân nhân lái xe tông chết nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận: Có thể tước quân tịch nếu bị tuyên phạt tù - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận đến tận nhà xin lỗi gia đình nạn nhân về sai sót trong việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu nạn nhân. Ảnh: Đức Cường

Trước đó vào ngày 7/8, Cơ quan Điều tra hình sự khu vực 3 - Quân chủng Phòng không - Không quân cũng đã có đã ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến vụ tai nạn giao thông nêu trên.

Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, căn cứ hành vi vi phạm như trên, lái xe có thể vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. 

Theo khoản 1, Điều 260, Bộ luật Hình sự thì mức phạt mà lái xe Hoàng Văn Minh có thể bị áp dụng được quy định như sau: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 

Trong trường hợp này, mức phạt còn phụ thuộc vào một trong số các trường hợp sau: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.