Cách đây vài năm, máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) còn khá xa lạ với nông dân, chủ yếu là ở các mô hình trình diễn do Trung tâm Khuyến nông các địa phương hoặc doanh nghiệp tổ chức. Nhưng giờ đây, trên các cánh đồng khắp cả nước, máy bay không người lái xuất hiện ngày càng nhiều, làm thay nhà nông nhiều công đoạn trong trồng trọt.
Ông Vương Trọng Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã An Long (Long An), cho biết, dù không thuộc diện được hỗ trợ tài chính của tỉnh nhưng từ năm 2019, HTX vẫn quyết tâm mua máy bay không người lái với kinh phí khoảng 500 triệu đồng/chiếc để phục vụ sản xuất.
Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái giúp HTX tiết kiệm thời gian, công lao động, chỉ cần khoảng 30 phút là máy phun xong 1ha lúa. Trong khi đó, người sử dụng chỉ cần pha thuốc đổ vào bình, dùng điều khiển từ xa là có thể đưa máy bay rải đều thuốc BVTV đi khắp đồng ruộng, vừa khoẻ người vừa tránh làm hỏng lúa, rất tiện để làm dịch vụ phun thuốc thuê cho bà con có nhu cầu.
Mặc dù giá máy bay nông nghiệp khá đắt đỏ, trung bình 400 triệu đồng/chiếc, nhưng anh Lý Văn Tu (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) vẫn "bạo tay" sắm về để phun thuốc trừ sâu cho ruộng lúa và vườn xoài của gia đình. Quá trình sử dụng, anh rất tâm đắc về hiệu quả mà máy bay không người lái mang lại.
Trước đây sử dụng phương pháp phun xịt truyền thống, nông dân mất nhiều thời gian và công sức để phun xịt, di chuyển... Còn với máy bay nông nghiệp, anh Tu chỉ cần đứng trên bờ ruộng điều khiển thiết bị bay đến ruộng lúa, ấn nút là máy tự động phun thuốc trừ sâu. Tốc độ phun của máy rất cao, trung bình 1 giờ phun được 50 công (50.000m2). Lượng thuốc phun ra đều và thấm sâu vào hầu hết các bộ phận trên cây lúa.
Thiết bị này có 3 chức năng chính: Bơm, xả, rửa, nên anh không cần động tay đến việc phun hay rửa bình sau khi phun. Ngoài phục vụ cho ruộng lúa và vườn cây ăn trái hơn 1ha, anh Lý Văn Tu còn nhận phun thuốc thuê cho các thửa ruộng khác khi nông dân có nhu cầu, với mức giá 180.000 đồng/ha.
Tương tự, nhận thấy cơ hội "làm ăn" từ thiết bị bay không người lái, ông Nguyễn Thọ Trường (xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, An Giang) đã mạnh dạn đầu tư khoảng 400 triệu đồng để mua thiết bay không người lái, vừa để sử dụng cho 12ha đất của gia đình, đồng thời làm dịch vụ.
Theo ông Trường tính toán, mỗi máy bay không người lái (drone) có giá dao động từ 400-700 triệu đồng. Thời gian phun trung bình mất 7 phút/ha ruộng lúa, khoảng 3 bình thuốc sẽ thay pin một lần. Mỗi ngày một drone phun từ 30-70ha tùy vào khoảng cách giữa các thửa ruộng cần phun thuốc.
Chi phí thuê drone khoảng 160.000 đồng/ha, trừ chi phí nhân công khoảng 20%, nhiên liệu 30%, chưa tính khấu hao máy móc, ông Trường có thể thu về lợi nhuận khoảng 2-3 triệu đồng/ngày.
Nhận thấy việc đeo bình phun thuốc trừ sâu bệnh trên người vừa nặng nhọc, vừa độc hại, công suất thấp, anh Trương Hiếu Tính, ở ấp 3, xã Vĩnh Trung (Vị Thuỷ, Hậu Giang), đã đầu tư gần 200 triệu đồng để mua máy bay không người lái để phun thuốc cho ruộng nhà mình và làm dịch vụ cho bà con có nhu cầu.
Anh Tính cho biết, cứ mỗi lần đến kỳ phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh cho lúa, tìm kiếm nhân công rất khó khăn. Khi thấy có máy bay phun thuốc không người lái, anh tìm hiểu và đặt mua loại máy 10 lít để dễ vận chuyển vào các tuyến đường nông thôn. Từ khi có máy bay phun thuốc, bà con rất phấn khởi. Bởi tính ra chi phí dịch vụ rẻ và phun nhanh hơn so với mướn người phun bằng thủ công.
Hiện trên địa bàn huyện Vị Thủy đã có 5 hộ tự đầu tư mua máy bay phun thuốc BVTV làm dịch vụ. Ông Nguyễn Thanh Điều, ở ấp 7, xã Vị Trung đang canh tác 10ha lúa cho biết, ông rất hài lòng khi thuê dịch vụ phun thuốc bằng máy bay để phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa trên mảnh ruộng của mình. Không những đỡ vất vả, ít phải tiếp xúc với hoá chất độc hại, mà dùng máy bay không người lái còn đỡ gây ô nhiễm môi trường.
"Nếu như ngày xưa mình xịt 10 bình thuốc, phải pha 10 chỗ khác nhau, mỗi lần gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV rất cực khổ. Thì khi phun thuốc bằng máy bay không người lái, chỉ cần pha thuốc 1 chỗ thôi là phun thuốc hết đồng mình rồi. Bao bì, vỏ chai thuốc BVTV gom lại một chỗ, mình đem về để có chỗ, có nơi rồi mang đi tiêu hủy rất thuận tiện", ông Điều cho biết thêm.