Mở "kho" dữ liệu vùng trồng: Xoá sự mù mờ trong sản xuất nông sản
Phát động chuyển đổi số nông nghiệp, mở "kho" dữ liệu vùng trồng: Xoá sự mù mờ trong sản xuất
Minh Huệ
Thứ sáu, ngày 19/08/2022 16:29 PM (GMT+7)
Chiều 19/8, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ phát động “Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn”, công bố triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng.
Chuyển đổi số nông nghiệp, mở "kho" dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng
Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan; đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến - Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình chuyển đổi số nông nghiệp cho biết, thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 749/QĐ-TTg, thời gian qua, Bộ NNPTNT đã quyết liệt chỉ đạo việc triển khai thực hiện xây dựng hệ thống nền tảng số của ngành, như: Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; Hệ thống cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng… nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp "minh bạch - trách nhiệm - bền vững".
"Việc hoàn thành và đưa "Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng" vào khai thác tiếp ngay sau "Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi" thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực lớn của ngành trong việc cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp. Điều này góp phần thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành nông nghiêph bền vững" – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
"Bước đầu chúng ta xây dựng được nền tảng cho chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn, đưa vào vận hành, bắt kịp những thay đổi của cách mạng 4.0. Qua đó nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam trong nước và quốc tế. Nếu chuyển đổi số thành công, chắc chắn khối lượng, giá trị nông sản Việt Nam sẽ được nâng cao rất nhiều. Lợi thế và lợi ích kinh tế mang lại cho nông dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh thêm.
Cũng theo đánh giá của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu vùng trồng là bước tiến mới trong nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. "Ngoài quản lý sản xuất, chất lượng thì nguồn gốc xuất xứ là một yêu cầu quan trọng của tất cả các thị trường. Làm được điều này, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ đi vào thực chất, chất lượng hơn" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo ước tính, cả nước hiện có 4,8 triệu ha diện tích cây trồng gồm: cây ăn quả, sản xuất lúa và cây công nghiệp. Trong đó, có khoảng 4.000 vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Tuy nhiên, để kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường, cần phải đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt để nâng cao hiệu quả giữa sản xuất, thị trường và người tiêu dùng.
Ngay tại buổi lễ triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng, qua màn hình trực tuyến, ông Ngô Văn Tín, đại diện Công ty CP Bang Bình (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đã thử kết nối với Hệ thống để đăng ký các thông tin về doanh nghiệp.
Hiện, Bang Bình đang có tổng diện tích sản xuất 900ha, bước đầu thông tin đăng ký có khá nhiều bước, mất một khoảng thời gian, song nếu so với làm việc trực tiếp thông qua văn bản, giấy tờ thì đây đúng là một "cuộc cách mạng".
"Doanh nghiệp cung cấp càng nhiều thông tin thì càng thuận lợi cho chính bản thân doanh nghiệp sau này. Trong đó, có những mặt hàng doanh nghiệp buộc phải công bố thông tin, có mã số vùng trồng. Đối với Bang Bình, hiện nay thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, nhưng nếu có mã số vùng trồng thì khách hàng truy xuất dễ hơn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng yên tâm sử dụng và như vậy, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội tăng doanh số" - đại diện Công ty Bang Bình cho biết.
Ngay sau đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận (Sở NNPTNT) truy cập vào Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng trồng và dễ dàng nhìn thấy thông tin của Công ty CP Bang Bình gửi lên. Cán bộ kiểm tra hồ sơ, thấy đầy đủ giấy tờ, thông tin thì chỉ cần bấm nút phê duyệt thành công.
Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận cho biết: Thao tác trên Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng trồng rất nhanh chóng, thủ tục thuận lợi, phê duyệt hồ sơ chưa tới 1 phút. Điều này sẽ tạo cầu nối thuận lợi giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, HTX...
Xoá đi sự mù mờ trong sản xuất nông sản nhờ chuyển đổi số
Tận mắt chứng kiến thao tác đăng ký dữ liệu của doanh nghiệp trên màn hình, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá: Đây mới là những bước đi đầu tiên của chuyển đổi số, song đã đi thì sẽ có thành công. Mục tiêu, đối tượng và cách thức triển khai là 3 vấn đề chúng ta cần quan tâm chú ý trong chuyển đổi số trên hành trình chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho nông sản nhờ xoá đi sự mù mờ về cơ quan quản lý, xuất xứ nguồn gốc, chất lượng…
"Bằng chuyển đổi số, chúng ta sẽ xoá đi sự mù mờ trong sản xuất nông sản. Tôi vẫn nói với bà con nông dân thương hiệu là gì? Chính là "hiệu để người ta thương". Hiểu nhiều, tin nhiều thì mới thương và sẽ mua nông sản đó với giá cao. Xây dựng thương hiệu để nông sản Việt Nam tiến tới minh bạch, tích hợp hình ảnh, cảm xúc, truyền thông đa phương tiện vào sản phẩm. Làm sao để người nông dân hiểu rằng: Tôi đi bán quả thanh long nhưng không phải chỉ bán thanh long, mà là bán cái văn hoá, cái cá tính của tôi, thương hiệu của tôi nằm trên bản đồ chuyển đổi số" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT nói.
Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng chỉ ra thực tế: Việt Nam đang ở tầng thấp nhất của nền kinh tế nông nghiệp, đó là bán thô nhiều năm trời. Vì vậy, thay đổi tư duy gặp khó khăn vì bị dính rất nhiều "rỉ sét" vào bánh xe, thay đổi cần nhiều thời gian, nhưng bây giờ chuyến xe, toa tàu đã chính thức chuyển động. Chúng ta đi sau thì phải tăng tốc gấp nhiều lần. Đừng xem hôm nay là ngày phát động phong trào, chỉ mang tính thời điểm, mà chuyển đổi số là hành trình xuyên suốt, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt với các quốc gia khác.
"Chúng ta đi sau cũng có lợi thế, biết được mục tiêu để chúng ta phấn đấu, rút ra bài học để đi nhanh hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.