Dân Việt

Viện Lúa ĐBSCL hỗ trợ người dân tiếp cận với máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp

Huỳnh Xây 17/08/2022 17:45 GMT+7
Viện Lúa ĐBSCL đang cung cấp máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp (drone) cho người dân, hợp tác xã và các đơn vị có nhu cầu. Viện lúa cũng sẽ đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ vận hành và sẵn sàng bảo trì và sửa chữa nếu thiết bị gặp lỗi.

Khuyến khích ứng dụng máy bay không người lái vào sản xuất lúa

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, phía Viện lúa ĐBSCL đang hợp tác với một đơn vị trong nước để cung cấp máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp (drone). Tại Viện Lúa ĐBSCL, cũng đang xây dựng một trung tâm bảo trì và sửa chữa thiết bị này.

Viện lúa ĐBSCL hỗ trợ người dân tiếp cận với máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp - Ảnh 1.

TS Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, phía Viện đang hợp tác với một đơn vị trong nước để cung cấp máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp. Ảnh: Huỳnh Xây

"Trước mắt, Viện Lúa ĐBSCL sẽ cho cho mượn máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp, không tính phí, hư hỏng thì đem về Viện để bảo trì, sửa chữa, thay mới mà không phải bỏ tiền ra để mua" - ông Thạch thông tin.

Được biết, tại Viện lúa ĐBSCL đang có sẵn nhiều máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp, sẵn sàng phục vụ cho người dân các địa phương khi có nhu cầu. Thời gian qua, Viện lúa ĐBSCL đã hỗ trợ cho TP.Cần Thơ 6 thiết bị, tỉnh Hậu Giang 3 thiết bị và An Giang 3 thiết bị.

Mục đích chính của hoạt động này nhằm khuyến khích nông dân, hợp tác xã ở ĐBSCL ứng dụng mạnh máy bay không người lái vào trong sản xuất và quản lý tốt hơn việc bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật.

Không chỉ cung cấp máy bay không người lái, Viện lúa ĐBSCL cũng có lực lượng đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ vận hành. Riêng về công tác quản lý thiết bị, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho hay: "Chúng tôi có quy trình quản lý thiết bị rất chặt chẽ, sẽ tước giấy phép nếu đơn vị mượn máy sử dụng không làm đúng quy trình".

Viện lúa ĐBSCL hỗ trợ người dân tiếp cận với máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp - Ảnh 2.

Viện lúa ĐBSCL cũng có đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ vận hành thiết bị máy bay không người lái và sẵn sàng bảo trì và sửa chữa nếu thiết bị gặp lỗi. Ảnh: Huỳnh Xây

The ông Thạch, máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp là một trong những thiết bị cơ giới hóa công nghệ cao, đang dần trở nên phổ biến và được ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL đánh giá mang lại hiệu quả cao và có thể nhân rộng trong thời gian tới. Hiện nay, thiết bị này ngày càng được cải tiến, nhiều tính năng nổi trội được tích hợp như rải phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), gieo sạ giống lúa...

Thay thế tất cả công việc của bà con nông dân, giúp tăng lợi nhuận

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay tại khu vực ĐBSCL, thiết bị máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp được ngành nông nghiệp các địa phương đánh giá là một trong những giải pháp kỹ thuật giúp nông dân giảm được chi phí nhân công, đảm bảo sức khỏe do hạn chế tiếp xúc với thuốc BVTV.

Viện lúa ĐBSCL hỗ trợ người dân tiếp cận với máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp - Ảnh 3.

Thiết bị máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp được ngành nông nghiệp các địa phương đánh giá cao. Ảnh: Huỳnh Xây

Đa số các loại máy bay không người lái đều có tính cải tiến cao về hiệu suất hoạt động, có thể chở được trọng lượng lớn lượng thuốc, phân bón hoặc hạt giống trên mỗi lần bay, dễ dàng điều khiển với độ chính xác cao, lắp ráp mọi lúc mọi nơi....

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Trưởng bộ môn Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch thuộc Viện Lúa ĐBSCL cho biết, hiện nay ứng dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng có rất nhiều, trong đó thiết bị máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp phổ biến hơn và tích hợp nhiều tính năng.

"Máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp tích hợp nhiều tính năng có thể thay thế tất cả công việc của bà con nông dân hay hợp tác xã. Qua đó giúp hạn chế được các tác động khi tiếp xúc với thuốc BVTV, đảm bảo năng suất lúa và tiết giảm nhân công lao động đang thiếu hụt hiện nay" - ông Hoàng nói.

Ông Hoàng nói thêm: "Mỗi ngày, một thiết bị có thể phun thuốc cho vài chục hec ta lúa, nếu người dân làm thủ công tối đa chỉ có thể thực hiện 5 hec ta/ngày. Từ đó, có thể thấy, tỷ lệ lợi nhuận của người sử dụng máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp sẽ cao hơn".

Do là thiết bị mang hàm lượng chất xám cao nên giá thành của thiết bị nói trên luôn ở mức khá cao, dao động từ 300 – 700 triệu đồng/máy. Để đại đa số nông dân có điều kiện được tiếp cận công nghệ tối ưu này, ông Hoàng cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp máy bay không người lái nên có những chương trình hỗ trợ cần thiết.

"Ngoài doanh nghiệp, về phía nhà nước cũng cần có những chính sách để nông dân có thể dễ dàng tiếp cận, ứng dụng thiết bị máy bay không người lái phục vụ trong sản xuất lúa" - Trưởng bộ môn Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch thuộc Viện Lúa ĐBSCL nói.