Giá mít Thái hôm nay, 16/8: Vựa báo giá mít Nhất mức "kịch sàn" là 22.000 đồng/kg, đã hết "cơn sốt" trồng mít?

M. Hoàng Thứ ba, ngày 16/08/2022 12:40 PM (GMT+7)
Giá mít Thái hôm nay, 16/8 được các chủ vựa báo ra không thay đổi so với ngày hôm qua. Tuy nhiên tại Tiền Giang có không ít vựa mít báo giá thu mua vào tăng thêm 1.000 đồng/kg đối với mít Kem lớn. Diện tích trồng mít Thái ở ĐBSCL có giảm khi cây mít được cho là qua thời "hết sốt nóng"?
Bình luận 0

Giá mít Thái duy trì ở mức có lời cho người trồng mít

Mặc dù giá mít Thái không có những mức tăng đột biến, "nóng sốt" như cùng kỳ năm 2021, nhưng theo đánh giá của nhiều nhà vườn trồng mít thì mức giá mít Thái giao động từ 6.000 đồng/kg (mít Kem 3) đến 21.000-22.000 đồng/kg (mít Kem lớn) thì nông dân dân đã có lời.

Giá mít Thái hôm nay, 16/8: Vựa báo giá mít Nhất mức "kịch sàn" là 22.000 đồng/kg, đã hết "cơn sốt" trồng mít? - Ảnh 1.

Giá mít Thái ở các tỉnh ĐBSCL giao động ở mức từ 6.000 đồng/kg đến 22.000 đồng/kg tùy loại. Ảnh: Ng. Ha.

Ông Võ Thạnh Út, nông dân trồng hơn 2ha mít Thái ở huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) cho hay: "Vườn mít Thái nhà tôi nay đã bước sang năm thứ 6, chắc vài năm nữa thì sẽ thay trồng lứa mới nếu giá mít Thái tiếp tục có lợi. Còn không có lợi, tôi sẽ tính chuyển sang trồng cây ăn trái khác, có thể là sầu riêng. Nhà tôi mấy năm nay có dư tiền thoải mái chút cũng là nhờ cây mít Thái".

Còn chị Hoàng Trinh Bé, một hộ nông dân trồng mít Thái ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) chia sẻ, mặc dù 2 năm nay giá mít có xu hướng giảm dần, nhưng nhìn chung, so với các loại cây ăn trái khác thì cây mít Thái vẫn cho hiệu quả kinh tế cao.

"Thực tế mà nói, thu nhập của cây mít Thái năm rồi và năm nay chỉ thua nhiều cây sầu riêng thôi. Có thời điểm mít cắt bán chậm lắm, nhưng chỉ là thời gian ngắn thôi, chứ bình thường vẫn bán được. Có hồi mít rẻ quá, nhà tôi chỉ bán cho lái trái đẹp, còn đâu thì cứ già là tôi xắt ra nuôi ốc bươu đen. Mít rẻ thì có ốc bươu đen ăn giùm và bán ốc bươu đen lúc nào cũng có giá...", chị Bé thổ lộ.

Mít Nhất "đạp" xuống mít Nhì, mít Nhì "đạp" xuống mít chợ, nhà vườn thương lượng với lái cắt mít cẩn thận

Theo báo giá của một số vựa thu mua mít Thái ở Tiền Giang, giá mít Thái 16/8 nhìn chung không biến động so với hôm qua, 15/8.

Cụ thể, có vựa báo giá thu mua mít Nhất đẹp với giá 22.000 đồng/kg (tăng thêm 1.000 đồng/kg) ; mít Nhì giá 11.000 đồng; giá mít Ba là 6.000 đồng/kg.

Trong khi đó, một vựa mít khác ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang báo giá mít Thái ngày 16/8 như sau: Giá mít Kem lớn là 21.000 đồng/kg; giá mít Kem Nhì giá 11.000 đồng/kg; mít Kem Ba giá 6.000 đồng/kg.

Giá mít Thái có xu hướng tăng trong hơn 10 ngày gần đây dẫn dến chuyện "lùm xùm" phân loại mít giữa nhà vườn và thương lái đi cắt mít.

Ông Ba Hoành, nông dân có 3ha trồng mít Thái ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho hay: "Lái vô vườn cắt mít chủ vườn và lái phải mắt thấy tai nghe tận từng cây. Với loại mít Nhất mà trái nam nám xíu thì đánh xuống mít loại gì...Hai bên thống nhất, ưng thì bán, ưng thì cắt, chớ không là dễ cãi lộn, lùm xùm chuyện phân loại".

Giá mít Thái hôm nay, 16/8: Vựa báo giá mít Nhất mức "kịch sàn" là 22.000 đồng/kg, đã hết "cơn sốt" trồng mít? - Ảnh 2.

Sản lượng mít Thái ở ĐBSCL đang có xu hướng giảm bởi diện tích trồng mít Thái cũng đang cùng xu hướng giảm. Ảnh: Phương Lan.

Nhiều nhà vườn trồng mít Thái kêu rằng, lái cắt phân loại nhiều khi "đạp tùm lum", đang mít Nhất hơi kém chút là "đạp"-đánh rớt xuống mít Ba, mít Kem nhỏ...

Diện tích trồng mít Thái ở ĐBSCL có giảm?

Diện tích trồng mít Thái ở khu vực ĐBSCL bắt đầu tăng đột biến kể từ năm 2017 cho tới giữa cuối năm 2019. Tại ĐBSCL ở các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang...nông dân bỏ một số loại cây ăn trái như cam sành, chanh, thanh long, nhãn...chuyển sang trồng mít Thái.

Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, tới giữa cuối năm 2021, diện tích trồng mít Thái ở các tỉnh phía Nam lên đến gần 40.000 ha, trong đó riêng khu vực ĐBSCL là 30.000 ha. Còn nếu tính diện tích trồng mít các loại (bao gồm nhiều loại giống mít) thì các tỉnh miền Nam lên tới xấp xỉ 70.000ha.

Tuy nhiên, trong 2 năm 2021-2022, diện tích trồng mít nói chung và diện tích trồng mít Thái nói riêng ở ĐBSCL đang có xu hướng giảm. Có 2 nguyên nhân khiến diện tích trồng mít theo xu hướng giảm là giá mít Thái liên tục đi xuống do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bùng phát dịch Covid-19 toàn cầu, khiến xuất khẩu trái mít tươi  gặp ách tắc, khó khăn, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Nguyên nhân thứ 2 là cây sầu riêng "lên ngôi". Trong những năm qua, diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh, giá sầu riêng ổn định ở mức cao, nông dân trồng sầu riêng có lời khá cao. Nhiều diện tích trồng mít, nhất là những vườn mít già cỗi đã được thay thế bằng trồng cây sầu riêng...

Xu hướng giảm diện tích trồng mít Thái được đánh giá là tích cực bởi sẽ góp phần làm ổn định giá mít và thị trường tiêu thụ mít Thái...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem