Dân Việt

Cơ giới hóa đồng bộ, nông dân nhàn hơn, giàu hơn (Bài 1): Đưa drone vào ruộng, HTX ăn nên làm ra

Hồng Cẩm - Hoàng Quân 19/08/2022 19:00 GMT+7
LTS: Cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, giúp người nông dân không chỉ nhàn hơn mà còn có thu nhập cao hơn, thêm yêu đồng ruộng hơn. Nhưng đồng bộ như thế nào, ưu tiên ở khâu nào để nông dân dễ tiếp cận, đạt hiệu quả cao nhất?

Là một trong những người đi đầu áp dụng mô hình "Mặt ruộng không bước chân", anh Nguyễn Thành Giang - Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Bình Thành ở xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, đã sử dụng máy bay không người lái (drone) vào sản xuất lúa, đồng thời "bao" lợi nhuận cho các thành viên.

Đưa máy bay không người lái vào trồng lúa

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, anh Giang cho biết: Trước đây gia đình anh cùng bà con nông dân trong xã Bình Thành sản xuất lúa theo kiểu truyền thống, mỗi gia đình làm theo một cách, nhỏ lẻ, manh mún, nên đầu vào cũng như đầu ra đều bị đại lý và thương lái ép giá. Tình trạng được mùa mất giá diễn ra liên tục, khiến nhiều người chán nản muốn bỏ cây lúa. 

Năm 2016, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội Nông dân, anh tập hợp được 48 hộ dân có diện tích lúa từ 5 công trở lên tham gia HTX nông nghiệp Bình Thành.

Cơ giới hóa đồng bộ - nông dân nhàn hơn, giàu hơn (bài 1): Đưa drone vào ruộng, HTX ăn nên làm ra - Ảnh 1.

Thành lập HTX, anh Nguyễn Thành Giang và thành viên HTX chủ động chọn đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp, giống lúa và công ty bao tiêu đầu ra. Ảnh: Hồng Cẩm

Riêng anh Nguyễn Thành Giang, từ 6ha đất sản xuất lúa ban đầu, nay anh đã mở rộng thuê thêm 40ha sản xuất theo mô hình "Mặt ruộng không dấu chân". Anh Giang nhẩm tính: 6ha đất của gia đình anh, mỗi năm lãi 40 triệu đồng/ha; còn đất thuê thì lãi khoảng 10 triệu đồng/ha. Tổng thu nhập của gia đình anh đạt khoảng 600 triệu đồng/năm.

Đưa bà con vào HTX, anh chủ động tìm đại lý liên kết cung ứng giống, vật tư nông nghiệp để cung cấp cho bà con với giá rẻ nhất. Rồi anh Giang tìm công ty uy tín thu mua lúa, bảo đảm đầu ra cho xã viên với giá ổn định nhất, đặc biệt phải có lời.

"Khi vận động bà con vào HTX, mình sẽ có diện tích sản xuất lớn, đáp ứng yêu cầu sản lượng thu mua của các công ty lớn, thì các công ty tự đến chào hàng, cung ứng vật tư và thu mua lúa của mình với giá tốt nhất. Lúc này, mình trở thành người chủ động lựa chọn công ty nào liên kết, hợp tác có lợi nhất cho bà con thì mình sẽ hợp tác" - anh Giang nói.

Cứ thế, việc sản xuất của xã viên ngày càng thuận lợi, bà con hăng hái mở rộng diện tích. Đến nay HTX Bình Thành có 49 thành viên, với tổng diện tích đất sản xuất trên 1.000ha. Trong đó, thành viên sản xuất ít nhất khoảng 5ha, nhiều nhất là 40ha. Vì thế mà HTX Bình Thành được nhiều công ty lớn "săn đón" như: Lộc Trời, Agrimex, Thoại Sơn…

Hiện nay HTX Bình Thành liên kết sản xuất với Công ty Lộc Trời với diện tích trên 1.000ha, trong đó sản xuất theo mô hình truyền thống là 765ha; liên kết theo mô hình 123 (bao đầu vào, bao đầu ra và bao lợi nhuận) là 165ha; ngoài ra 200ha liên kết theo mô hình "Mặt ruộng không dấu chân".

Cơ giới hóa đồng bộ - nông dân nhàn hơn, giàu hơn (bài 1): Đưa drone vào ruộng, HTX ăn nên làm ra - Ảnh 3.

Sạ lúa bằng máy bay không người lái tại cánh đồng thành viên HTX Bình Thành.

Nói về mô hình "Mặt ruộng không dấu chân", anh Giang cho biết, đây là mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) trong quá trình canh tác, giúp tiết kiệm lượng giống lúa, giảm lượng phân bón và thuốc hóa học, từ đó giảm chi phí sản xuất so với phương pháp truyền thống.

Cam kết lợi nhuận 40 triệu đồng/ha/năm

Anh Giang cũng cho biết, đối với phương pháp canh tác truyền thống, trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng ngừa, điều trị sâu bệnh hại, nông dân phải mang những bình phun nặng và cồng kềnh trên lưng. Việc này khiến nông dân mất nhiều thời gian, công sức. 

Nhưng với việc sử dụng thiết bị bay không người lái thì khác: Chỉ cần một người điều khiển bằng điện thoại là có thể hoàn thành phun thuốc cho một diện tích lớn, thời gian phun nhanh hơn, công lao động bỏ ra hầu như không đáng kể.

Tham gia mô hình này, các thành viên HTX được phía Lộc Trời cam kết mức lợi nhuận tối thiểu từ 40 triệu đồng/ha/năm và được bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, với việc sử dụng drone, nông dân sẽ tiết kiệm được tài nguyên nước. Trong quá trình phun thuốc, nông dân không tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV nên an toàn cho sức khỏe.

"Tham gia mô hình "Mặt ruộng không dấu chân", nông dân không bỏ nhiều công chăm sóc. Toàn bộ quá trình canh tác đều ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, việc phun thuốc bằng máy bay không người lái được kỹ thuật viên của Tập đoàn Lộc Trời thực hiện. Khi nông dân tham gia một số công việc, như: Thăm đồng, bơm nước tưới, tiêu... đều được trả công lao động theo giá hiện hành" - anh Giang chia sẻ.

Mô hình "Mặt ruộng không dấu chân" cải tiến quy trình sản xuất nhằm tiết giảm lượng giống sử dụng 30%, lượng phân bón và thuốc BVTV sử dụng giảm 20% thông qua việc đồng bộ cơ giới hóa. Khi triển khai, nông dân sẽ được đào tạo toàn bộ quy trình, được doanh nghiệp "bao" lợi nhuận ngay từ đầu vụ nên rất yên tâm sản xuất.

Đặc biệt, nhờ áp dụng quy trình canh tác bền vững và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng nông sản đầu ra được đảm bảo, qua đó mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con, đồng thời góp phần phát triển nông nghiệp địa phương.