Clip: Ông Phạm Ngọc Thạch, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 đến từ tỉnh Lâm Đồng giới thiệu về chuyển đổi số trong hợp tác xã của mình.
Sau vài lần hẹn, phóng viên Dân Việt đã có buổi gặp mặt, trao đổi với ông Phạm Ngọc Thạch (phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) về cách làm nông nghiệp thông minh trong thời đại 4.0. Ông Thạch nổi tiếng với rau, củ, quả nhưng diện tích, khối lượng rau hằng ngày do ông làm ra không nhiều. Nhưng, điều đặc biệt ở người đàn ông 43 tuổi này là cách xây dựng chuỗi, liên kết các vệ tinh xung quanh để có sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Dẫn phóng viên trong khu vườn chuyển giao công nghệ rộng 2ha của mình tại TP.Đà Lạt, ông Thạch nhớ lại: "Đến được với rau, củ, quả như hiện nay, phải nói là tôi đã rất vất vả. Cũng học xong đại học và trải qua khá nhiều nghề nhưng chưa có thành công gì to lớn. Cho đến năm 2016, tôi làm việc cho một công ty phân bón ở TP.Hồ Chí Minh. Khi đó, tôi đến Lâm Đồng làm thị trường và có đến huyện Đức Trọng.
Tại huyện Đức Trọng, tôi dừng chân trước một vựa rau. Từ khoảng 12 giờ đến 14h chiều tôi đếm đã có khoảng 17 chiếc xe 15 tấn chở rau đi tiêu thụ. Tôi ước nếu cuộc đời mình có 1 chiếc xe 15 tấn, 1kg rau bán được 1.000 đồng thì mỗi tháng mình có 450 triệu đồng. Vậy tại sao mình phải đi làm kinh doanh lương cơ bản 35 triệu đồng/tháng".
Đó cũng là lý do mà anh Thạch đã từ bỏ mức lương khủng trên để về Lâm Đồng lập nghiệp với ngành nông nghiệp. Đến ngày 10/7/2017, anh Thạch đã cùng các thành viên thành lập Sunfood. Ngay từ ngày đầu thành lập anh Thạch và các cộng sự đã thấy được 2 tiêu chí mà người dân đang cần là mô hình thực tế (khu chuyển giao công nghệ) và giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Thạch, điều khó khăn nhất mà trước giờ các công ty thường mắc phải tình trạng là "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Nếu thành viên làm ra sản phẩm mà công ty không tiêu thụ được thì các thành viên đó dần sẽ mất đi, công ty không còn uy tín nữa.
Vì vậy, ngay từ khi thành lập đến nay, Sunfood đã xây dựng một khu chuyển giao công nghệ để cho các thành viên thấy được hợp tác xã có một quy trình sản xuất cho từng nhóm cây trồng. Từ quy trình đó, Sunfood sẽ tính ra được chi phí cụ thể thực tế cho một nhóm cây trồng.
Ví dụ, với cây cà chua bi, tổng chi phí mà người dân bỏ ra là khoảng 13.000 đồng từ nhân công đến giống và vật tư nông nghiệp. Sau đó, chúng tôi thu mua cho người dân với giá 25.000 đồng/kg, từ đó người dân thấy được cái lợi nhuận đảm bảo để họ sản xuất bền vững với Sunfood", ông Thạch giải thích cho phóng viên.
Đến nay, Hợp tác xã Sunfood DALAT Co.op đã có 433 thành viên với tổng diện tích sản xuất hơn 30 loại cây trồng là 220ha. Sunfood hiện cũng là Chủ nhiệm của Câu lạc bộ 16 hợp tác xã tại TP.Đà Lạt. Với nhiệm vụ chính là đứng ra kí kết các hợp đồng lớn nhằm tiêu thụ nông sản và đưa quy mô nông nghiệp công nghệ cao của Đà Lạt lên một vị thế mới.
Tiếp tục theo chân kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Mỹ Loan, phóng viên được chứng kiến sự nhàn nhã của người nông dân trong thời đại công nghệ số. Chỉ bằng những thao tác đơn giản trên một phần mềm được cài sẵn trong điện thoại thông minh, chị Loan đã tưới nước được cho khu vườn trồng "dưa leo baby" rộng hàng ngàn mét vuông.
Chị Mỹ Loan cho biết: "Tại trang trại của chúng tôi thì điện thoại thông minh đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý cây trồng. Mọi công việc quản lý từ chăm sóc, tưới nước, tưới phân, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm đều được thao tác trên một app đã được cài đặt sẵn. Mức độ chính xác về độ EC, PH máy đã được cài đặt sẵn, chúng tôi chỉ cần thực hiện cài đặt tỉ lệ mình mong muốn rồi phần mềm sẽ chạy đúng với yêu cầu.
So với cách làm truyền thống, mình sử dụng app có nhiều ưu thế, tiết kiệm công sức, pha phân, tưới nước. Mình chỉ cần kiểm tra qua app, chọn khu vực, cây trồng muốn tưới thì hệ thống sẽ chạy tự động. Hệ thống cũng kiểm soát chính xác độ ẩm, tốc độ gió, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ là hệ thống tưới nhỏ giọt nên sẽ tiết kiệm tối đa nước tưới.
Trong ngành nông nghiệp luôn phát triển, luôn cập nhật nên chúng tôi luôn chịu sức ép rất lớn, bản thân luôn phải tìm tòi, update những công nghệ mới nhất về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp để ứng dụng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để đưa đến tay người tiêu dùng".
Nói về chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, ông Phạm Ngọc Thạch rất vui vì đơn vị của mình đang ứng dụng cũng như cập nhật thường xuyên để sản xuất nông nghiệp.
Hiện, Hợp tác xã Sunfood DALAT Co.op đang quản trị và quản lý dữ liệu các trang trại trên đám mây. Khi người dùng vào trang chủ Sunfood sẽ thấy được quy trình sản xuất rau, củ, quả tại nông trại. Cụ thể, màu xanh là cây mới trồng, màu đỏ là cây đang thu hoạch. Tiếp tục quét vào sẽ biết ngày xuống giống, ngày thu hoạch là bao nhiêu, cứ 1 tuần sẽ cập nhật bằng hình ảnh 1 lần.
Anh Thạch phấn khởi cho biết, Hợp tác xã Sunfood DALAT Co.op tự hào là đơn vị đang bán hàng trên 4 app điện tử. Trung bình, mỗi ngày Sunfood bán từ 10 đến 20 tấn/ngày tất cả các loại rau, củ, quả.
Bà Nguyễn Thị Tường Vi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cùng ông Phạm Ngọc Thạch tham quan khu chuyển giao công nghệ của Hợp tác xã Sunfood DALAT Co.op. Ảnh: Văn Long.
"Mỗi ngày thị trường Việt Nam cần 30.000 tấn nông sản, mục tiêu của Sunfood là chiếm được 5% thị phần tương đương 1.500 tấn/ngày. Đó là mục tiêu mà Sunfood hướng tới trong 5 năm tới. Chính vì vậy, chúng tôi cần liên kết với nhiều đối tác về vật tư nông nghiệp, hạt giống, phân bón...
Hiện chúng tôi kết hợp với Hàn Quốc để xây dựng một phòng nghiên cứu để cho ra những chủng men vi sinh phù hợp với từng loại cây trồng để đưa năng suất cây trồng lên mức tối đa. Đặc biệt, chúng tôi sẽ liên kết với rất nhiều đối tác trong và ngoài nước để có đầu ra ổn định cho nông sản.
Điều chúng tôi mong muốn nhất là hoàn tất chuyển đổi số, vì chuyển đổi số sẽ giúp giảm nhân công, quy trình sản xuất được chuẩn hóa, xây dựng được niềm tin đến người tiêu dùng 1 cách cụ thể", ông Thạch chia sẻ với phóng viên.
Là một trong những 100 nông dân Việt Nam xuất sắc 2022, ông Thạch cho biết rất tự hào và cho rằng cần nỗ lực hơn nữa để giúp cho nông dân TP.Đà Lạt cũng như cả nước có được đầu ra ổn định nhất. Đặc biệt nhất là người dân, người tiêu dùng cả nước sẽ có được những sản phẩm chất lượng nhất để sử dụng hằng ngày.
"Là một giám đốc hợp tác xã, anh Thạch rất năng động, đã giúp liên kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân trong vùng. Có tư tưởng đổi mới, thường xuyên ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Song song với đó, anh Thạch không chỉ làm giàu, phát triển cho bản thân mà còn giúp người người dân xung quanh làm giàu. Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình của anh Thạch hiện tại, đây cũng là những tiêu chí để chúng tôi bình chọn nông dân Việt Nam xuất sắc hằng năm", bà Nguyễn Thị Tường Vi – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng nhận xét.
Ông Phạm Ngọc Thạch là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu nhất cả nước được Hội đồng Chung khảo Trung ương Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2022); kỷ niệm 10 năm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam (2013-2022).