Dân Việt

Trung Quốc tăng mua, giá tiêu Việt Nam tăng từ 500 - 1.500 đồng/kg

Thiên Hương 18/08/2022 14:35 GMT+7
Giá tiêu đen và giá tiêu trắng tại thị trường nội địa tăng nhẹ nhờ tín hiệu khả quan từ thị trường Trung Quốc, trong khi lượng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Mỹ vẫn chậm. Giá tiêu hôm nay dao động phổ biến từ 69.000-72.000 đồng/kg.

Trung Quốc tăng mua, giá tiêu Việt Nam tăng từ 500 - 1.500 đồng/kg

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa thời gian qua tăng nhẹ nhờ tín hiệu khả quan từ thị trường Trung Quốc, trong khi lượng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ vẫn chậm.

Cụ thể, thị trường Trung Quốc đã có những tiến triển tích cực khi các đợt phong tỏa của nước này đã được rút ngắn lại để ưu tiên cho sản xuất. Điều này đã tạo thuận lợi cho các nhà nhập khẩu hạt tiêu để phục vụ nhu cầu thị trường. 

Theo đó, ngày 9/8/2022, giá tiêu đen tại thị trường nội địa tăng 500 – 1.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 29/7/2022, lên mức 71.500 – 73.5000 đồng/kg.

Giá tiêu trắng ở mức 109.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022, nhưng thấp hơn so với mức 112.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Dự báo giá hạt tiêu sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới để phục vụ cho nhu cầu cuối năm.

Trung Quốc tăng mua, giá tiêu Việt Nam tăng từ 500 - 1.500 đồng/kg - Ảnh 1.

Giá tiêu đen và giá tiêu trắng tại thị trường nội địa tăng nhẹ nhờ Trung Quốc tăng mua. Ảnh: Dân Việt

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước cao nhất 72.000 đồng/kg, ghi nhận tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá tiêu tại Bình Phước đạt 71.000 đồng/kg; giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông ở mức 70.000 đồng. Giá tiêu hôm nay thấp nhất là ở Chư Sê (Gia Lai), đạt 69.000 đồng/kg.  

Giá tiêu thế giới tăng trở lại trong những ngày đầu tháng 8/2022. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của mặt hàng hạt tiêu được cho là không bền vững. Cuộc xung đột vũ trang kéo dài giữa Nga và Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực, tác động đến thị trường hạt tiêu toàn cầu. 

Trong khi đó, những lo ngại về làn sóng Covid-19 mới trên toàn cầu cũng như chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại Trung Quốc góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường hạt tiêu. Điều này dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn. 

Tại khu vực châu Á, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 23,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 22,15 triệu USD, trong khi nguồn cung vụ mùa mới từ Brazil và Indonesia đang tiếp tục bổ sung vào thị trường. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt trên 19.000 tấn, trị giá 80,12 triệu USD, giảm 21,5% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 6/2022, so với tháng 7/2021 giảm 27,5% về lượng và giảm 15,6% về trị giá. 

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 142.560 tấn, trị giá 639,84 triệu USD, giảm 20,9% về lượng, nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Điều đáng mừng là giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua liên tục tăng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.488 USD/tấn, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sang các nước Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan tăng trưởng tới 2 con số thì một số thị trường lớn lại giảm, như Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan, Anh...

Đối với thị trường Mỹ, hiện nước ta vẫn là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho thị trường cao cấp này. Ví dụ, trong 5 tháng đầu năm 2022, lượng nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ từ Việt Nam đạt 27,52 nghìn tấn, trị giá 134,25 triệu USD, tăng 19,8% về lượng và tăng 84,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Nhờ lợi thế về nguồn cung ổn định, Việt Nam hiện vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn cung hạt tiêu cho Hoa Kỳ trong thời gian tới.