Giá tiêu cao, nông dân trồng tiêu Quảng Trị trúng mùa, trúng giá, nhà nào cũng hối hả
Giá tiêu Quảng Trị đang cao lại trúng mùa, nông dân vùng này hối hả hái bán cho kịp
Thứ sáu, ngày 22/07/2022 06:19 AM (GMT+7)
Những ngày này, nông dân trồng tiêu ở xã Hiền Thành, nơi được xem là “thủ phủ” cây hồ tiêu của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) với tổng diện tích hơn 184 ha đang hối hả bước vào vụ thu hoạch năm 2022.
Tại nhiều vườn tiêu, tiếng nói cười rộn ràng không ngớt bởi vụ tiêu năm nay được cả mùa, cả giá so với những năm trước.
Nhiều vườn trồng tiêu ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị hối hả vào mùa thu hoạch - Ảnh: HUY QUÂN.
Tại vườn tiêu rộng hút tầm mắt với khoảng 1.000 gốc trĩu hạt của gia đình ông Lê Văn Lương, ở thôn Tân Trường, mấy ngày nay thường xuyên có 4 - 6 lao động được ông Lương thuê hái tiêu.
“Ngoài người trong gia đình, tôi phải thuê thêm nhân công để hái cho kịp vì tiêu đã đến thời điểm phải thu hoạch, để thêm vài ngày nữa sẽ kém chất lượng. Cái khó hiện nay là thời tiết thỉnh thoảng có mưa giông và việc thuê người hái tiêu không phải lúc nào cũng có”, ông Lương cho biết.
Khoảng 10 năm trước, nhận thấy cây cao su mỗi khi gặp gió bão thường gãy đổ gây thiệt hại nặng nề, thêm vào đó giá thu mua mủ có thời điểm xuống rất thấp nên ông Lương quyết định chuyển toàn bộ diện tích cao su tiểu điền sang trồng tiêu.
Đầu tư bài bản, áp dụng đầy đủ quy trình kỹ thuật, chăm sóc nên vườn tiêu của ông Lương từ khi cho thu hoạch đến nay năm nào cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Năm nào tiêu được mùa được giá, niềm vui càng nhân lên khi tính toán khấu trừ mọi chi phí, ông Lương tích cóp được một số tiền kha khá.
Bước vào mùa thu hoạch tiêu năm nay, ông Lương vui vì tiêu được mùa, giá thương lái thu mua cao hơn so với mọi năm. Ước vụ tiêu năm nay, ông thu được gần 3 tấn, với giá thu mua từ 70 nghìn - 80 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông có được khoản lợi nhuận kha khá.
Không chỉ ông Lương, nhiều nông dân ở Hiền Thành cũng phấn khởi khi sản lượng tiêu đạt cao, giá tiêu khô tăng so với những vụ trước. Vườn tiêu của bà Nguyễn Thị Sửu, ở thôn Tân An, mấy ngày nay luôn có 5 - 6 lao động được bà thuê từ các thôn khác đến để hái tiêu.
“Thời điểm này, nhiều hộ trồng tiêu đã bước vào thu hoạch rộ nên dù tiền công đã tăng so với những năm trước nhưng có ngày không thuê được người hái. Trong thôn có hộ tiêu chín đỏ cả cây nhưng đành chịu vì tìm người hái không ra. Vườn tiêu này tôi dự tính sẽ thu hoạch xong trong 3 ngày nữa”, bà Sửu cho hay.
Tại vườn tiêu 350 gốc của chị Trần Thị Quyên, ở thôn Thái Mỹ, 6 người hái tiêu thuê tất bật trải bạt, dựng thang để bắt đầu thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Gái, ở xã Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch là chị nhận được điện thoại thuê đi hái tiêu ở các xã vùng Đông Vĩnh Linh.
Năm nay, chị nhận lời hái tiêu ở xã Hiền Thành vì di chuyển gần, tiền công mỗi ngày cũng cao hơn nơi khác 20 nghìn đồng/ngày. “Ở đây, các chủ vườn tiêu trả 280 nghìn đồng/ngày thêm một bữa ăn phụ là phù hợp với công sức chúng tôi bỏ ra. Tiêu được mùa được giá thì không chỉ chủ vườn vui mà những người hái thuê như tôi cũng phấn khởi vì có thêm việc làm, thu nhập”, chị Gái chia sẻ.
Năm 2022 được xem là năm thành công đối với nhiều nông dân trồng tiêu ở Hiền Thành bởi không chỉ tiêu có sản lượng cao, giá thu mua tốt hơn so với mọi năm mà họ còn bán được số lượng lớn tiêu giống cho người trồng tiêu ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên như: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.
“Với mức giá từ 15 - 20 nghìn cho một hom tiêu giống tùy thời điểm, từ đầu năm đến nay tôi đã thu được khoảng 15 triệu đồng. Người trồng tiêu ở Tây Nguyên ưa chuộng giống tiêu Hiền Thành bởi cây giống khỏe, dễ sống, dễ chăm sóc và hạt tiêu có hương vị cay nồng rất đặc trưng”, ông Lê Văn Lương cho hay.
Chủ tịch UBND xã Hiền Thành Lê Đức Kiêm cho biết, nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của diện tích đất đỏ ba dan lớn, những năm qua chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để đa dạng hóa, nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm nông sản. Trong đó, cây tiêu được xác định là loại cây trồng chủ lực và được rất nhiều nông dân lựa chọn để canh tác.
“Có thể khẳng định, dù có lúc gặp sâu bệnh hay giá cả thu mua sản phẩm không ổn định nhưng cây tiêu đã mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều nông dân địa phương. Trong đó, những hộ canh tác với quy mô lớn, áp dụng quy trình chăm sóc bài bản theo hướng dẫn của cơ quan chức năng thì giá trị kinh tế mang lại cao, có đời sống khá giả. Từ 184,4 ha hiện có, xã Hiền Thành xác định sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng tiêu để nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Lê Đức Kiêm cho biết thêm.
Vụ thu hoạch tiêu năm nay ở Hiền Thành sẽ kéo dài trong khoảng một tháng nữa. Tâm huyết, công sức của nông dân đã làm nên hạt tiêu Hiền Thành nói riêng, Vĩnh Linh nói chung nức tiếng gần xa bởi hương vị đặc trưng, riêng có.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.