Theo đề xuất của PVN, tổ hợp lọc hóa dầu (LHD) và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu sẽ được xây dựng tại KCN dầu khí Long Sơn, với các sản phẩm chính là xăng dầu, hóa dầu.
18 tỷ USD xây tổ hợp lọc hoá dầu và dự trữ xăng dầu
Dự kiến tổ hợp sẽ sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu dầu thô, khí và condensate trong nước, với nguyên liệu thiếu hụt sẽ được nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ. Nhà máy lọc dầu sẽ sản xuất nhiên liệu có tích hợp hóa dầu với công nghệ tiên tiến.
Quy mô công suất của dự án LHD này được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư nhà máy với công suất 12-13 triệu tấn dầu thô/năm, tạo ra 7-9 triệu tấn sản phẩm xăng dầu và 2-3 triệu tấn hóa dầu.
Giai đoạn 2 sẽ đầu tư bổ sung, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm hóa dầu với công suất 5,5-7,5 triệu tấn/năm và giảm công suất sản phẩm xăng dầu còn 3-5 triệu tấn/năm. Dự án kho dự trữ quốc gia sẽ có quy mô dự trữ dầu thô là 1 triệu tấn/năm và 500.000m3/năm với sản phẩm xăng dầu.
Nếu được chấp thuận, dự án này sẽ được triển khai vào quý I/2024 và vận hành thương mại từ quý I/2028. Khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư của tổ hợp này khoảng 17-18,3 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là từ 12,5-13,5 tỷ USD và giai đoạn 2 là 4,5-4,8 tỷ USD.
Lập luận về đề xuất này, PVN đưa ra nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam năm 2020 là 18 triệu tấn, dự báo năm 2025 là 25 triệu tấn/năm và 2030 là 33 triệu tấn/năm.
Khu vực phía Nam chiếm 45% nhưng chưa có nhà máy LHD nào được xây dựng. PVN cho rằng dự trữ xăng dầu trong nước mới đáp ứng được khoảng 5-7 ngày tiêu dùng nên rất phụ thuộc vào sự ổn định sản xuất, cung cấp xăng dầu từ nguồn nhập khẩu. Trong khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước năm 2020 là 18 triệu tấn, dự báo năm 2025 lên đến 25 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 33 triệu tấn/năm.
Về các nhà máy lọc dầu trong nước, hiện Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu đang hoạt động là Dung Quất và Nghi Sơn có khả năng cung ứng khoảng 12,2 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 67% tổng nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các nhà máy này, nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải nhập khẩu xăng dầu lớn do cung ứng hai nhà máy này chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu sản phẩm xăng dầu, giảm xuống 40% cho các năm 2030 và chỉ cung ứng được 20% vào năm 2045. Theo PVN, nguy cơ năm 2030 Việt Nam sẽ thiếu hơn 19 triệu tấn xăng dầu/năm và 25 triệu tấn vào năm 2035...
Chính vì vậy, mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu để phục vụ nhu cầu trong nước. Đặc biệt, việc vận hành không ổn định của nhà máy LHD Nghi Sơn như thời gian qua, khả năng dự trữ xăng dầu trong nước còn hạn chế.
Thực tế mỗi nhà máy LHD được thiết kế cho một số chủng loại dầu thô nhất định, do đó việc nguồn cung dầu thô cho nhà máy ổn định là rất quan trọng.
Theo các chuyên gia về dầu khí, để ổn định hoạt động nhà máy, hiệu quả và mang tính quy hoạch, nguồn cung dầu thô phải dài hạn, ổn định. Bối cảnh thị trường dầu thô hiện nay bất ổn định, chính vì vậy cần lựa chọn đối tác và công nghệ phù hợp, tránh tác động xấu của diễn biến giá dầu thô và các xung đột toàn cầu.
Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định: Vấn đề không phải là tiền mà là cách làm và hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, cân đối nguồn cung dầu thô, hiệu quả kinh tế và đặc biệt là chiến lược năng lượng quốc gia, trong đó có các cam kết ở COP26 của Việt Nam.
Thực tế, vấn đề xây dựng thêm nhà máy lọc hoá dầu và dự trữ xăng dầu được đặt ra có phù hợp hay không trong bối cảnh Chính phủ đang cắt giảm sử dụng nhiên liệu xăng dầu theo cam kết tại Cop26 về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg 2022 Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Theo đó, từ năm 2030 Việt Nam sẽ hạn chế xe động cơ đốt trong, đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch để sử dụng trong nước.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như ô tô, xe máy tham gia giao thông phải chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng: "Quy hoạch tổng thể, chiến lược của Việt Nam cam kết đến năm 2050 từ lộ trình thực hiện từ 2030, như vậy, nếu đưa vấn đề xây dựng nhà máy LHD từ năm 2028, về lý thuyết sẽ giảm hiệu quả, công suất khi nhà nước khuyến khích sử dụng năng lượng sạch. Đây là bài toán đặt ra cho doanh nghiệp, nhà quản lý".