"Quan hệ" với 7 đầu mối bị tước quyền xuất nhập khẩu: Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu "mất ăn mất ngủ"
"Quan hệ" với 7 đầu mối bị tước quyền xuất nhập khẩu: Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu "mất ăn mất ngủ"
An Linh
Thứ hai, ngày 15/08/2022 14:33 PM (GMT+7)
Thay vì đăng tải ngay việc 07 đầu mối bị tước quyền xuất nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công Thương "delay" thông tin, sau gần 1 tháng mới công bố khiến những doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có quan hệ với các đầu mối này "mất ăn mất ngủ" vì có thể bị vi phạm liên đới.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chịu "bất đối xứng thông tin"
Thay vì đăng tải ngay thông tin 07 đầu mối bị tước quyền xuất nhập khẩu xăng dầu trong các ngày (07 - 26/7), Bộ Công Thương "delay" thông tin, đến ngày 9/8 mới công bố, khiến một số doanh nghiệp đi từ ngỡ ngàng, đến hoang mang khi trót giao dịch với các đầu mối vi phạm nói trên.
Mới đây, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVNDB) đã gửi thắc mắc lên Bộ Công Thương vì họ lỡ mua hoặc bán xăng dầu với một số thương nhân đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trong thời gian các đầu mối này phải không được quyền xuất, nhập khẩu xăng dầu.
Điều đáng nói, các công bố quyết định tước giấy phép của Bộ Công Thương đưa ra khá muộn, trong khi đó có những doanh nghiệp bị tước giấy phép từ rất, có ba doanh nghiệp bị tước quyền xuất nhập khẩu xăng dầu từ ngày 7/7, ngày 12 và ngày 13/7, các doanh nghiệp khác là từ ngày 20-16/7 mới có quyết định. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng Bộ Công Thương mới công bố Quyết định nói trên. Điều này đẩy các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xuất hàng hoặc nhập hàng hoá vi phạm từ các doanh nghiệp bị tước quyền nói trên vào những rủi ro pháp lý, có thể liên quan đến hành vi tiếp tay cho vi phạm.
Theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP, PVNDB ký kết và thực hiện 22 hợp đồng dài hạn xăng dầu đối với 22 khách hàng là các thương nhân đầu mối trên cả nước. Nếu trong thời gian đầu mối bị cấm xuất nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp vẫn thực hiện mua bán xăng dầu nhập khẩu từ các đầu mối, nguy cơ rủi ro các doanh nghiệp xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có thể gặp vấn đề pháp lý, liên đới đến các sai phạm của đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu.
Trong văn bản kiến nghị đến Bộ Công Thương, PVNDB cho rằng: Doanh nghiệp lo ngại có những trường hợp bị tước giấy phép trên vẫn mua nguồn xăng dầu. Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn, chỉ đạo về quyền mua các sản phẩm xăng dầu của các thương nhân đầu mối này từ nhà máy lọc dầu trong nước do Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn bao tiêu.
Mặc dù, mới đây Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương phát đi thông báo tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của 07 thương nhân đầu mối chỉ áp dụng đối với hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu. Doanh nghiệp vẫn được mua hàng từ nguồn trong nước, được hoạt động kinh doanh bình thường, cung cấp nguồn cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lo ngại việc họ không có thông tin từ phía cơ quan chủ quan. Thêm nữa, thời gian các đầu mối bị xử phạt không được công khai, doanh nghiệp đầu mối có thể đẩy hàng hoá vi phạm đến các đơn vị bán lẻ, khiến họ trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm vi phạm.
Đáng ngại hơn, hiện Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện các đợt thanh kiểm tra doanh nghiệp xăng dầu. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp lo sợ các đoàn thanh, kiểm tra sẽ lấy việc doanh nghiệp bán lẻ mua, bán xăng dầu trong thời gian đầu mối bị tước quyền để xử phạt hoặc gây khó dễ cho hoạt động của mình.
Chính vì vậy, hơn ai hết, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất cần Bộ Công Thương đưa ra văn bản chính thức để hướng dẫn và làm căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp bị "bất bình đẳng thông tin" như trên.
Thời gian 07 đầu mối bị Bộ Công Thương tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu:
01. Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng kể từ ngày 26/7.
02. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 18/7.
03. Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 13/7.
04. Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 28/7.
05. Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 19/7.
06. Công ty CP Phúc Lộc Ninh bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 07/7, thời hạn 1,5 tháng.
07. Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 12/7.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.