Hiện nay, trong khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới, còn lưu giữ nhiều ván khắc ghi chép về thân thế, sự nghiệp và hành trạng của Trần Đức Hòa, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 3, mặt khắc 9 ghi về gia thế của ông như sau: “Trần Đức Hòa người ở huyện Bồng Sơn, Bình Định. Ông nội là Trần Ngọc Chính, làm quan nhà Lê, được tặng phong Vinh lộc đại phu.
Cha là Trần Ngọc Phẩn, cũng làm quan nhà Lê, đến chức Phó tướng dinh Quảng Nam. Trần Đức Hòa là người hào hùng cao cả, vì là con nhà tướng, ban đầu được ấm thụ làm Hoằng tín đại phu rồi thăng Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ thự vệ sự. Vì có quân công, Đức Hòa được phong làm Thám lý Quy Nhơn, Cống Quận công”.
Năm Nhâm Dần (1602), Trần Đức Hòa vào yết kiến, chúa Nguyễn Hoàng khen ông là người cung thuận rồi hậu đãi cho về. Đến khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi, Trần Đức Hòa thường được mời vào phủ để bàn việc quân chính.
Ông được chúa tin yêu, thường gọi với cái tên thân mật là “nghĩa đệ”. Không chỉ được chúa trọng dụng, Trần Đức Hòa còn được nhân dân yêu mến. Trong thời gian nhậm chức Khám lý phủ Quy Nhơn, ông đã có công giữ yên trấn lỵ, tích trữ lương thực theo quy định.
Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 3, mặt khắc 9 ghi chép về gia thế của Trần Đức Hòa. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Trần Đức Hòa khuyến khích nhân dân khẩn hoang lập ấp, cho dân làm ăn trên đất hoang đã thành điền, sau 10 năm mới phải nộp thuế. Riêng với phần ruộng đất của mình, Trần Đức Hòa cũng cho dân làm, đóng địa tô thấp.
Không chỉ là người tài ba trong việc quân cơ, Trần Đức Hòa còn là người tinh anh, sáng suốt trong việc nhận diện nhân tài. Ngay khi gặp Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa đã nhìn thấy dưới lớp vỏ bần hàn là một kẻ sĩ có tài trí phi thường, có thể giúp chúa Nguyễn làm nên việc lớn. Vì vậy, Trần Đức Hòa đã mời Đào Duy Từ về ở nhà mình và đem con gái gả cho.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 2, mặt khắc 8, 9 ghi lại câu chuyện này: “Nghe tin Khám lý Hoài Nhơn Trần Đức Hòa là người có mưu trí, được chúa tin dùng, Đào Duy Từ bèn vào Hoài Nhơn, thác làm người ở, chăn trâu cho phú ông ở xã Tùng Châu.
Phú ông thấy người biết rộng nghe nhiều, nói với Đức Hòa. Đức Hòa nói chuyện với Đào Duy Từ, thấy không điều gì là không thông suốt, rất quý trọng, đem con gái gả cho. Duy Từ từng ngâm bài Ngọa Long cương để ví mình với Khổng Minh. Đức Hòa thấy thế nói rằng: “Đào Duy Từ là Ngọa Long đời nay chăng”.
Năm Đinh Mão (1627), Trần Đức Hòa tiến cử Đào Duy Từ với chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 2, mặt khắc 12 ghi: “...
Đức Hòa ung dung lấy bài Ngọa Long cương ngâm từ trong tay áo ra tiến, nói rằng: “Bài này do thầy dạy học ở nhà tôi là Đào Duy Từ làm”. Chúa xem thấy lạ, giục sai đi mời đến gặp. Sau mấy ngày, Đức Hòa cùng Duy Từ đến ra mắt. Lúc ấy, chúa mặc áo trắng đứng ở cửa nách chờ. Duy Từ nhìn thấy, đứng lại không đi. Chúa tức thì áo mũ chỉnh tề, ra mời vào.
Duy Từ rảo bước vào lạy, cùng nói chuyện. Chúa rất vui lòng nói: “Khanh sao đến muộn thế?”. Tức thì trao cho chức Nha úy nội tán, tước Lộc khê hầu, trông coi việc quân cơ trong ngoài và tham lý quốc chính. Chúa từng mời vào trong bàn bạc. Duy Từ bày tỏ hết những điều uẩn khúc trong lòng, điều gì biết đều nói hết cả. Chúa cho Đức Hòa là biết người, bèn trọng thưởng cho”.
Quả thật, Trần Đức Hòa đã tiến cử lên phủ chúa một con người tài ba hiếm có, giúp chúa Nguyễn xưng vương định bá ở Đàng Trong. Quả nhiên về sau, Đào Duy Từ trở thành người đứng đầu trong các công thần.
Trần Đức Hòa mất vào thời điểm nào, không thấy Mộc bản triều Nguyễn ghi chép, chỉ biết rằng sau khi mất, ông được phong tặng phúc thần, dân làng Bồ Đề lập đền thờ để tưởng nhớ. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 26 ghi rằng: “Đền thờ Cống Quận công ở thôn Cự Tài, huyện Bồng Sơn. Thời quốc sơ, thờ Công thần, Khám lý Cống quận công Trần Đức Hòa”.
Năm Bính Thân (1716), chúa Nguyễn Phúc Chu cho một người cháu gọi Đức Hòa bằng ông chú được miễn sai dịch, lại cấp cho 10 mẫu tự điền.
Năm Ất Sửu (1805), vua Gia Long cho truy xét công thần khai quốc, liệt Đức Hòa vào hạng nhất: “Cho Khám lí Trần Đức Hòa làm công thần bậc nhất”. Ngoài ra, vua Gia Long còn ban cấp 9 mẫu tự điền và 4 người trông coi mộ phần. Bên cạnh đó, ấm thụ một người cháu đời xa làm Đội trưởng, được thế tập để coi việc thờ cúng.
Năm Giáp Thân (1824), vua Minh Mạng đã: “Ấm thụ cho Trần Viết Tứ làm Đội trưởng để coi giữ việc thờ cúng Khám lý Cống Quận công Trần Đức Hòa. Đức Hòa là công thần buổi quốc sơ, khoảng năm Gia Long ấm thụ cho con cháu là Trần Tần làm chủ tự. Tần không có con, em là Tứ xin tập ấm. Vua y cho. Nhân sắc rằng từ sau phàm con cháu công thần được tập ấm mà chết thì quan sở tại tâu lên. Định làm lệnh mãi mãi”.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Đền thờ Cống quận công Trần Đức Hòa không còn nữa. Nhưng gần đây chính quyền cùng với gia tộc Trần Đức đã xây dựng lại khu tưởng niệm Khám lý Trần Đức Hòa, điều đó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với cha ông và sự trân trọng của thế hệ hôm nay với một danh nhân như Cống quận công Trần Đức Hòa.