Tim Page, một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất về Chiến tranh Việt Nam, người được biết đến với nhân cách, lòng dũng cảm và sự dấn thân, cùng những bức ảnh chiến tranh mạnh mẽ, đã qua đời hôm nay 24/8 tại nhà riêng ở New South Wales, Australia vì bệnh ung thư gan ở tuổi 78.
Là một phóng viên ảnh chuyên nghiệp với tinh thần tự do, các bức ảnh của ông về chiến tranh ở Việt Nam xuất hiện trên các ấn phẩm trên khắp thế giới trong thập kỷ 1960. Ông đã bị trọng thương bốn lần trong cuộc chiến, nặng nhất là khi một mảnh đạn găm vào đầu khiến ông phải mất nhiều tháng hồi phục và phục hồi chức năng.
Tim Page là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong số phóng viên chiến trường nước ngoài từng đến Việt Nam thời chiến. Ông đã ghi lại những hình ảnh giúp định hình diễn biến của cuộc chiến.
Trong một bài viết năm 2016 trên tờ The Guardian, ông mô tả các phóng viên chiến trường mà ông gọi là “những người anh em”: “Một tập thể cứng rắn gồm các nhiếp ảnh gia, nhà báo và một vài người làm truyền hình, những người hiểu được nỗi sợ hãi và kinh hoàng, nhưng vẫn luôn trên tuyến đầu”.
Trong trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times vào năm 2010, ông nói: “Tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai trải qua bất cứ điều gì như chiến tranh lại ra khỏi cuộc chiến một cách nguyên vẹn”.
Ông đã xuất bản hàng chục cuốn sách, trong đó có hai cuốn hồi ký, đáng chú ý nhất là “Requiem” - một cuốn sách ảnh gồm tác phẩm của các nhiếp ảnh gia ở tất cả các bên, những người đã thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
Cuốn sách được phát hành năm 1997 với đồng tác giả là đồng nghiệp, nhiếp ảnh gia Horst Faas nổi tiếng. Tim Page coi đây là một sự tưởng niệm, một trong những đóng góp quan trọng nhất của mình. Bộ sưu tập các bức ảnh trong cuốn sách hiện vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Lần Tim Page cận kề nhất với cái chết là tháng 4/1969, khi ông bước ra khỏi máy bay trực thăng để giúp hạ tải thương binh và bị trúng mảnh bom khi một người lính ở gần ông giẫm phải mìn.
Tại bệnh viện quân đội, ông được tuyên bố là đã chết, nhưng ông đã hồi phục, rồi lại suy yếu và tưởng chết nhưng lại hồi phục lần nữa, cuối cùng ông đủ sức để được chuyển về Mỹ, nơi ông mất nhiều tháng phục hồi và điều trị trước khi cầm máy ảnh làm việc trở lại.
Tim Page sinh ra tại Royal Tunbridge Wells, Kent, nước Anh ngày 25/5/1944, là con trai của một thủy thủ người Anh đã thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai. Ông được nhận làm con nuôi và không hề biết mẹ ruột của mình.
Năm 17 tuổi, Tim Page rời nước Anh đi phiêu lưu. Ông đã sang Trung Đông, Ấn Độ và Nepal, tới Lào khi cuộc chiến Đông Dương mới bắt đầu.
Ông tìm được công việc biên tập ở hãng thông tấn United Press International nhờ những bức ảnh về cuộc đảo chính ở Lào năm 1965. Ông dành phần lớn thời gian trong 5 năm tiếp theo để đưa tin về Chiến tranh ở Việt Nam, làm việc chủ yếu cho các tạp chí Time, Life, hãng thông tấn UPI, tờ Paris Match và hãng thông tấn The Associated Press.
Các bức ảnh của ông gây chú ý vì sự kịch tính thô sơ và dấn thân, dám chấp nhận những rủi ro nguy hiểm. Những bức ảnh của ông có lẽ là chụp lính Mỹ đủ mọi màu da - William Shawcross viết trong phần giới thiệu cuốn sách “Nam” của Page - những người bị lôi ra khỏi nước Mỹ và ném vào một cuộc chiến xa lạ và đáng sợ mà họ không hiểu.
Từ cuối những năm 1990, Tim Page thường xuyên trở lại Việt Nam để giảng dạy về nhiếp ảnh, chụp ảnh các nạn nhân chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam.
Ông tiếp tục chụp ảnh tại các điểm nóng ở Afghanistan, Đông Timor… Cuối cùng ông chọn định cư gần Brisbane, Australia, làm trợ giảng tại Đại học Griffith.
Vợ ông là bà Marianne Harris - người bạn đời lâu năm thường đi cùng ông trong các chuyến trở lại Việt Nam. Ông có một con trai với người vợ trước.
Vào thời điểm được chẩn đoán ung thư tháng 5/2022, ông đang làm thêm hai cuốn sách cũng như một kho lưu trữ các bức ảnh của mình.