Nửa năm bất phân thắng bại

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ tư, ngày 24/08/2022 15:49 PM (GMT+7)
Ngày 24/8 năm nay không chỉ đơn thuần là ngày Quốc khánh của Ukraine mà còn là dấu mốc tròn nửa năm cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine.
Bình luận 0
Nửa năm bất phân thắng bại - Ảnh 1.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài nữa năm và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Ảnh IT

Sau nửa năm giao tranh quân sự trực tiếp với nhau, Nga và Ukraine đều ở trong tình trạng vừa thắng vừa thua hoặc không thắng nhưng cũng chẳng thua, bởi thắng hay bại tùy thuộc vào giác độ nhìn nhận của từng bên.

Không thể nói là Nga thắng khi Nga không thành công với chủ ý ban đầu là đánh nhanh thắng nhanh, kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine và thay đổi chính thể ở Ukraine. Chiến sự gây ra thiệt hại lớn cho Nga về người và của, bộc lộ những yếu kém và hạn chế vô cùng tai hại của quân đội Nga. 

Sự trợ giúp của Mỹ, EU, NATO và đồng minh về tài chính và quân sự cho Ukraine cũng như sự đối địch không khoan nhượng của họ với Nga đã gây cản trở lớn cho hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine và buộc Nga phải chấp nhận chiến tuyến khác nữa là đối địch Mỹ, EU, NATO và đồng minh. 

Nhưng cũng không thể nói là Nga thua ở Ukraine khi Nga đến nay kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, kiểm soát toàn bộ vùng Lugansk và khoảng 60% vùng Donbass. 

Phía Ukraine không thua khi buộc Nga phải kéo dài chiến sự, không đánh chiếm được thủ đô Kiev và chịu thiệt hại không hề nhỏ. 

Nhưng Ukraine cũng không thắng khi không thể khôi phục được thực trạng lãnh thổ đất nước như trước ngày chiến sự bùng phát cách đây nửa năm cho dù được Mỹ, EU, NATO và đồng minh đổ vào rất nhiều tiền của và vũ khí hiện đại. 

Việc NATO nhanh chóng kết nạp Thụy Điển và Phần Lan, việc EU vội vã dành cho Ukraine quy chế nước ứng cử viên gia nhập liên minh được Mỹ, EU, NATO và đồng minh coi là thất bại lớn của Nga.

Nhìn lại diễn biến chiến sự ở Ukraine trong nửa năm qua có thể rút ra được ba nhận thức cơ bản.

Thứ nhất, Ukraine kìm hãm được hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine không phải bởi ngang sức ngang tài với Nga về quân sự mà nhờ tiền của và vũ khí của phương tây là chính. Bởi vậy, chừng nào Mỹ, EU, NATO và đồng minh còn chủ định dùng Ukraine để đối địch Nga và làm cho Nga rồi đây không còn có thể thách thức họ nữa về an ninh thì chừng ấy chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine sẽ vẫn còn dai dẳng.

Thứ hai, cả Nga lẫn Ukraine hiện tại, bất chấp mọi thiệt hại về người và của trong nửa năm chiến sự qua, đều chưa sẵn sàng đi vào đàm phán về giải pháp chính trị hòa bình. 

Phía Nga chắc trù tính Mỹ, EU, NATO và đồng minh không thể đỡ lưng Ukraine được mãi trong khi phía Ukraine tin rằng Mỹ, EU, NATO và đồng minh không dám buông bỏ Ukraine vì không thể để cho Nga thắng ở Ukraine. 

Ukraine nắm được thóp của Mỹ, EU, NATO và đồng minh là nếu Ukraine thua Nga ở Ukraine thì phe này thua Nga ở châu Âu và trên thế giới.

Thứ ba, cho dù cuộc chiến ở Ukraine rồi đây kết thúc như thế nào thì rất nhiều điều ở châu Âu và trên thế giới không còn được như trước nữa. Ukraine không thể có lại phạm vi lãnh thổ như trước. Mối quan hệ giữa Ukraine và Nga sẽ cần rất nhiều thời gian mới có thể bình thường trở lại. Hai nước này, cả châu Âu và thế giới cần không ít thời gian và không sớm dễ dàng xử lý được ổn thỏa và lâu bền mọi hậu quả và hệ lụy của cuộc chiến.

Cho nên hiện chưa thể dự báo được bao giờ cuộc chiến này mới kết thúc và cái kết cục cuối cùng của nó sẽ như thế nào về chính trị, quân sự và pháp lý.

Nửa năm chiến sự ở Ukraine đã đưa lại những thay đổi trên nhiều phương diện ở châu Âu và trong chính trị thế giới mà kết cục cuối cùng nào của cuộc chiến cũng không thể đảo ngược chúng được. Cuộc chiến này đã làm đổ vỡ những cấu trúc an ninh chung tồn tại lâu nay ở châu Âu và làm bộc lộ những điểm yếu cũng như mức độ tùy thuộc lẫn nhau trong thương mại toàn cầu và cung ứng năng lượng trên thế giới. 

Ukraine trở thành nơi thử nghiệm các cách thức mới trong tiến hành chiến tranh và nhiều chủng loại vũ khí mới. Mối quan hệ giữa các đối tác lớn chuyển biến mạnh mẽ trong bản chất. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc phần nào bị lu mờ nhưng cả chiều hướng lẫn mức độ diễn biến rồi đây phụ thuộc rất cơ bản vào diễn biến tiếp theo và kết cục cuối cùng của cuộc chiến ở Ukraine.

EU và NATO nhanh chóng thống nhất nội bộ nhưng hiện tại bộc lộ ngày càng nhiều biểu hiện phân rẽ về quan hệ với Nga và ứng phó những hệ lụy tiêu cực của cuộc chiến ở Ukraine. Mức độ sẵn sàng trả mọi giá để hậu thuẫn Ukraine chiến tranh với Nga đã bắt đầu có dấu hiệu giảm.

Chính trị thế giới và quan hệ quốc tế đã có bước chuyển giai đoạn. Chỉ có điều giai đoạn mới này sẽ đưa thế giới đến đâu lại là câu hỏi hiện chưa có câu trả lời xác thực mà mới là những phỏng đoán ban đầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem