Giống như bao gia đình khác trong thôn, gia đình ông Ly Văn Chỉ (trưởng thôn thôn Hô Sán) những ngày, tháng qua không khỏi vui mừng khi tận mắt chứng kiến cây cầu treo bằng gỗ đã gắn bó với mình mấy chục năm từng bước thay da đổi thịt.
Những tấm ván gỗ mục nát được gỡ ra, thay vào đó bằng những tấm ván bằng sắt chắc chắn. Những thành cầu gãy vụn cũng bị bỏ đi, thay thành những cột sắt mới kiên cố. Toàn bộ cây cầu gỗ mục nát từng bước đổi mình. Đối với gia đình ông Chỉ, điều này chẳng khác nào ước mơ to lớn đã thành hiện thực.
Nhớ lại ngày nhận được thông báo cây cầu sẽ được Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phối hợp cùng Nha khoa Sài Gòn H.N và nhà hảo tâm đầu tư sửa chữa, ông Chỉ vẫn còn nguyên vẹn những cảm xúc vui mừng.
Ông Chỉ tâm sự: "Chúng tôi mừng lắm chứ! Sẽ không phải đi đường vòng xa thêm chục cây để đến trung tâm nữa. Cũng không còn lo lắng luôn thường trực khi đi trên những tấm ván gỗ có thể gãy nát bất cứ lúc nào".
Trước đây mỗi khi mùa mưa bão đến, người dân thôn Hô Sán không thể nào quên hình ảnh cây cầu cũ kĩ oằn mình chống trọi lại với dòng nước chảy siết bên dưới, nhìn sợ đến mức người nào can đảm lắm mới dám đi qua.
Chỉ sau vài tháng, cây cầu ấy đã được đổi thay, khoác lên mình tấm áo sắt cứng cáp, đủ sức gồng gánh cả dân làng.
Cụ Triệu Mùi Cói (80 tuổi, thôn Chiến Thắng), một già làng trong thôn không giấu nổi niềm vui trong ánh mắt: "Tôi hạnh phúc lắm. Trước đây khi cây cầu còn cũ, tôi không thường xuyên đi vì chân tay yếu cả rồi, sợ ngã lắm. Còn bây giờ thì tôi đã yên tâm đi lại thường xuyên trên cây cầu này rồi".
Niềm hạnh phúc khi có cây cầu mới không chỉ có người lớn mới cảm nhận được, cả những đứa trẻ trong làng cũng bày tỏ niềm vui mừng khôn xiết. Em Phượng Mùi Moan (lớp 7A, THCS Hồ Thầu) chia sẻ: "Bọn con thậm chí còn chạy nhảy ở trên cầu nữa ạ, cầu vững chãi lắm giờ bọn con không phải đi lại dè dặt như trước nữa".
Ông Hoàng Đức Tơn - Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: "Cây cầu này có vị trí trung tâm, quan trọng trong việc kết nối các thôn Hô Sán và thôn Tân Thành. Đặc biệt với thôn Hô Sán, cây cầu như cửa ngõ để kết nối bà con với vùng trung tâm xã".
Ông Tơn thông tin thêm, việc cây cầu được sửa lại vững chãi đã tạo tiền đề quan trọng để kinh tế của các thôn lân cận phát triển hơn. Trước đây, từ thôn Hô Sán đến trung tâm phải đi một đoạn đường vòng dài khoảng 20km.
Bây giờ, thời gian đi lại giữa các thôn được rút ngắn, bà con có thể thoải mái dắt trâu bò hoặc thồ hàng nặng đi qua. Từ đó, việc giao thương sẽ ngày càng phát triển.
Không chỉ mang lại những lợi ích về kinh tế, cây cầu mới còn tạo điều kiện phát triển đời sống, xã hội của các thôn, đặc biệt là thôn Hô Sán.
Cô Ma Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Thầu chia sẻ: "Trước đây mỗi khi mùa mưa bão, tôi lo cho các con khi phải đi qua cây cầu này để đến trường. Bởi chẳng biết những tấm ván gỗ có thể gẫy vụn lúc nào. Thế nhưng giờ đây tôi có thể yên tâm hơn khi có cây cầu mới".
Với các em học sinh, đoạn đường đi học giờ đây an toàn hơn rất nhiều. Cây cầu sắt đủ vững chãi, nâng niu bước chân của các em trên đường tìm con chữ.
Ông Lý Văn Chỉ, chia sẻ: "Các cháu tôi chăm đi học hơn vì nhờ có cây cầu mà đoạn đường đến trường của các con được rút ngắn lại. Cùng với đó, bản thân tôi cũng yên tâm khi để các con tự đi lại trên cầu.
Người dân chúng tôi thật sự không biết làm sao để có thể bày tỏ hết sự biết ơn với Báo và tấm lòng những nhà hảo tâm trên cả nước"
Ông Phượng Chàn Nu - Bí thư xã Hồ Thầu bày tỏ: "Tôi đại diện người dân xã Hồ Thầu xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Báo NTNN/ Điện tử Dân Việt, Nha khoa Sài Gòn H.N và các nhà hảo tâm. Nhờ có cây cầu kiên cố, đời sống của bà con được thắp thêm ánh sáng, mở ra những hứa hẹn đầy triển vọng trong tương lai".