Theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này đã có những thay đổi tích cực, lấy người bệnh làm trung tâm. Các giải pháp chính sách của dự thảo luật cơ bản phù hợp thể chế về đường lối, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Đến thời điểm này, dự thảo còn nhiều ý kiến khác nhau vì vậy cần sự phân tích, đóng góp tích cực của các chuyên gia, nhà quản lý.
"Các ý kiến góp ý phải như thế nào trong vấn đề khám chữa bệnh để thời gian tới có những cơ chế đảm bảo quá trình thực hiện tốt hơn. Đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện", ông Mẫn nói.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV đề xuất, cần tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế. Việc tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành sẽ là cơ sở để các bệnh viện tham khảo xây dựng bảng giá cho bệnh viện của mình. Bệnh viện tự xây dựng mức giá rồi căn cứ theo mức độ tự chủ để đề xuất về Bộ Y tế.
"Tính là phải tính đúng, tính đủ. Còn thu, tùy theo loại hình tự chủ là gì và tùy đầu tư của Nhà nước. Tự chủ một phần, tự chủ toàn phần, tự chủ toàn diện sẽ khác nhau, đặc biệt là thuế", đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho rằng, việc bổ sung thêm chi phí về các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật là rất cần thiết. Hiện các bệnh viện công lập ở Cần Thơ đang thiếu nợ thuế thu nhập doanh nghiệp. Các bệnh viện khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh thu phí bị Cục thuế yêu cầu phải nộp thuế doanh nghiệp.
"Ngành y tế Cần Thơ đang thiếu nợ thuế từ 2017 tới nay, do đó, xây dựng Luật cần cơ cấu giá dịch vụ y tế phải bao gồm cả các chi phí về thuế", bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga đề xuất.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã lạc hậu, nhưng nếu sửa đổi mà vẫn theo hướng tập trung quyền lực để Bộ Y tế, Sở Y tế quản hết thì đó không phải là xu hướng của thế giới mà sẽ tiếp tục đi theo vết xe đổ cũ.
"Bây giờ chúng ta không đủ tiền để đầu tư, chúng ta để cho các bệnh viện tự chủ; nhưng tự chủ không đúng nghĩa thì bệnh viện sẽ không phát huy được. Bây giờ, từ trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc đều "chẻ" nhỏ ra để đấu thầu và lựa chọn giá làm sao phải thấp nhất tạo thành một mớ lùng bùng, chưa có đường ra. Khi sửa luật, chúng ta phải xác định yêu cầu của thực tế như thế nào và có khẳng định dám sửa không. Nếu sửa mà vẫn như cũ thì anh em trong ngành cũng không trông mong gì", bà Lan băn khoăn.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ người hành nghề y, một số đại biểu cho rằng đội ngũ y bác sĩ cần có một nghiệp đoàn bảo vệ người hành nghề y như nhiều nước trên thế giới. Nghiệp đoàn y tế là những người có trình độ chuyên sâu, có cả luật sư, chức năng của nghiệp đoàn là khi có sai sót y khoa xảy ra sẽ làm việc với hội đồng chuyên môn để đi đến kết luận y bác sĩ có sai phạm hay không.
Hiện nay ở nước ta, việc bảo vệ đội ngũ y bác sĩ giao cho Bộ Y tế nhưng đơn vị này chưa thực sự bảo vệ được người hành nghề y, điển hình như vụ án của bác sĩ Hoàng Công Lương. Do đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần bổ sung thêm mục thành lập nghiệp đoàn ngành y tế.
Tại Điều 104 của dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi quy định bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người hành nghề cùng người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó cho phép lực lượng bảo vệ của cơ sở khám chữa bệnh được phép sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; được đào tạo về kỹ năng nhận diện các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và biện pháp xử lý tình huống. Được lực lượng cảnh sát nhân dân hỗ trợ bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 36 dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi quy định quyền từ chối khám chữa bệnh có quy định thêm so với luật 2009: Người bệnh có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề đang thực hiện nhiệm vụ. Người bệnh không tuân thủ chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn…
Cơ sở khám chữa bệnh được áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp: Tịch thu phương tiện, công cụ, vật dụng được sử dụng để gây mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở khám chữa bệnh. Tạm giữ người có hành vi gây mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải thông báo cho cơ quan công an trên địa bàn.
Đặc biệt, trước thực trạng hành hung bác sĩ liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đưa vào quy định: Người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh bị coi là người có hành vi chống người thi hành công vụ.
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật, người vi phạm còn phải xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tại nơi người đó cư trú hoặc tại nơi người đó làm việc hoặc tại cơ sở khám chữa bệnh nơi người đó có hành vi xâm phạm tinh thần, sức khỏe, tính mạng của thầy thuốc, người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh.