Nợ bảo hiểm xã hội đến 158 tỷ đồng, chưa doanh nghiệp nào bị khởi tố
Nợ bảo hiểm xã hội đến 158 tỷ đồng, chưa doanh nghiệp nào bị khởi tố
Bạch Dương
Thứ sáu, ngày 26/08/2022 15:03 PM (GMT+7)
Cơ quan bảo hiểm xã hội TP.HCM đã chuyển đến công an các quận huyện hồ sơ kiến nghị khởi tố 84 đơn vị về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), với tổng số tiền nợ quỹ là 158 tỷ đồng, nhưng chưa đơn vị nào bị khởi tố.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, công tác phát triển người tham gia BHXH hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch được giao. Cụ thể, vào năm 2016, số người tham gia BHXH là gần 2,1 triệu người, đến năm 2019 tăng lên hơn 2,5 triệu người. Trong giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số người tham gia BHXH giảm còn hơn 2,4 triệu người và hơn 2,3 triệu người. Riêng năm 2022, tính đến tháng 7 có hơn 2,4 triệu người tham gia BHXH.
Tuy nhiên, hiện còn khoảng hơn 2 triệu người chưa tham gia BHXH. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn chậm, nhất là BHXH tự nguyện. Nếu không có sự chuyển đổi, trong thời gian tới, số lượng người già, số người khi hết tuổi lao động không được hưởng BHXH sẽ rất lớn, tạo áp lực, gánh nặng cho gia đình, xã hội, tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đến cuối năm 2021 có khoảng 7.499 đơn vị có chủ doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản, dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh với số nợ không thể thu hồi là 396,25 tỷ đồng. Tình hình nợ đóng quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng hàng năm khi năm 2016 là 1.789 tỷ đồng, đến năm 2019, số nợ là 2.115 tỷ đồng, năm 2021 số nợ tăng lên 2.241 tỷ đồng.
Làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh nêu kiến nghị của TP.HCM đối với Chính phủ về việc xem xét chỉ đạo Bộ, ngành Trung ương và cơ quan chức năng có hướng dẫn chung và thống nhất về quy trình, thủ tục việc khởi tố hình sự đối với đơn vị nợ theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự. Điều luật này quy định tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Tính đến nay, cơ quan BHXH TP.HCM đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra Công an quận huyện xử lý đối với 84 đơn vị (trong đó 81 đơn vị kiến nghị khởi tố theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, 3 đơn vị kiến nghị xử lý theo Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính) với tổng số tiền nợ quỹ là 158 tỷ. Tuy nhiên đến thời điểm nay, chưa đơn vị nào bị khởi tố.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, BHXH TP.HCM đã chuyển 84 hồ sơ chuyển sang công an, nhưng công an cấp quận huyện đánh giá các vụ việc chưa đủ cấu thành tội phạm nên không khởi tố theo Điều 216 BLHS.
Liên quan việc này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành hướng dẫn cụ thể các hành vi: Đóng không đúng mức mà không phải là trốn đóng; đóng không đủ số người thuộc diện tham gia mà không phải là trốn đóng; không đóng cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; trốn đóng; trốn đóng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và hướng dẫn việc thực hiện áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định 28/2020.
"Đề nghị hướng dẫn cụ thể, đóng không đủ mức đóng thì có phải là trốn đóng? 100 người chỉ đóng 80 người thì có phải là trốn đóng không?", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đặt vấn đề.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đề xuất mức phạt bằng 200% mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, nếu sau 30 ngày mà đơn vị không nộp thì tiếp tục tăng mức phạt lên 300%. Sau 60 ngày mà đơn vị vẫn cố tình không nộp thì chuyển cơ quan công an khởi tố hình sự. Theo lãnh đạo Sở LĐTB-XH, nếu quy định này được áp dụng thì sẽ làm giảm rất nhiều tình trạng chiếm dụng số tiền nộp BHXH của các đơn vị sử dụng lao động mà không bị tính lãi như hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.