Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, hàng năm, trung bình nông dân toàn tỉnh sử dụng hết khoảng 2,6 triệu tấn phân bón các loại và khoảng 500 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Chi phí cho các loại vật tư nông nghiệp khoảng 9.000 tỷ đồng.
Về chăn nuôi, mỗi năm Đắk Nông cũng chi phí khoảng 22.000 tỷ đồng cho việc mua giống gia súc gia cầm.
Chính từ nhu cầu đầu vào vật tư quá lớn nên các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp ở tỉnh này cũng mọc lên như nấm sau mưa. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đắk Nông hiện có trên 311 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, 449 cơ sở kinh doanh phân bón; 330 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, có 70 công ty cung cấp các sản phẩm thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, 150 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, thủy sản.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, cho biết, nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đã đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Bên cạnh ý thức của người dân chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm, ham hàng rẻ... thì về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng còn nhiều hạn chế cả về khách quan lẫn chủ quan.
Ngoài ra, do chế tài chưa đủ sức răn đe cũng dẫn đến tình trạng vật tư nông nghiệp không đạt tiêu chuẩn theo quy định, kém chất lượng, hết hạn sử dụng, vi phạm nhãn mác, sử dụng hóa chất, chất kích thích sinh trưởng vượt mức cho phép vẫn còn diễn ra...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, năm 2021, qua kiểm tra 254 cơ sở sản xuất kinh doanh tư nông nghiệp đã phát hiện nhiều sai phạm. Không chỉ kinh doanh khi chưa đủ điều kiện, không ít cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng, sai nhãn mác, không phù hợp với tiêu chuẩn công bố; ngoài danh mục, thậm chí đã đưa vào danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông vừa tổ chức Hội thảo giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp để từng bước quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh tư nông nghiệp.
Theo TS.Lê Đăng Khoa, Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trong sản xuất nông nghiệp, yếu tố giống là rất quan trọng. Do đó, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn yếu tố này.
Bên cạnh viện tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất thì nên có cơ chế để hỗ trợ về giá để nông dân có điều kiện tiếp cận giống mới. Đồng thời chỉ đạo triển khai mở rộng vườn giống gốc; đầu tư bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho rằng, hiện nay các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh tư nông nghiệp còn quá nhẹ, chưa đủ răn đe. Ông Gấm cũng chỉ ra một thực tế là hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp sản xuất giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... "Dĩ nhiên, họ được cấp phép thì được hoạt động. Song nếu quy tụ được họ lại thì sẽ dễ quản lý hơn"- ông Gấm nói.
Cũng theo ông Gấm, về phía người dân cần phải tăng cường hơn nữa trong việc liên kết sản xuất. Việc mua chung bán chung không chỉ giúp nông dân giảm giá thành đầu vào mà còn tăng được giá trị đầu ra.
Nhiều ý kiến khác cũng nhận định, hơn ai hết, để quản lý tốt tư nông nghiệp thì hơn ai hết người nông dân phải nâng cao nhận thức.
"Để kiểm soát tư nông nghiệp đầu vào khi mà nông dân đang rải rác thì không thể khả thi. Vì vậy cần phải tập hợp nông dân, quy tụ sản xuất thì mới có thể từng bước kiểm soát được. Tuy nhiên, để kiểm soát có hiệu quả thì không thể một sớm một chiều"- ông Phạm Tuấn Anh nói.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, bên cạnh ý thức người dân thì doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này một mặt cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo các sản phẩm có giá cạnh tranh thì việc chia sẻ lợi ích, trách nhiệm, liên kết đồng hành với bà con nông dân cũng hết sức quan trọng.
Cũng như đại đa số ý kiến, ông Phạm Tuấn Anh cũng cho rằng việc nông dân liên kết, đồng hành với nhau sẽ tạo ra sức mạnh, giảm thiểu được các rủi ra và tiết kiệm chi phí đầu vào.
"Chỉ có liên kết lại mới tạo được các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung. Từ đó mới tính được tới chuyện dài hơi hơn, lớn hơn là xuất khẩu. Đây cũng chính là nền tảng của việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp"- ông Phạm Tuấn Anh nói.
Ngoài ra, theo ông Phạm Tuấn Anh, các cơ quan quản lý cần nâng cao vai trò trách nhiệm. Cần làm tốt việc phối hợp chia sẻ thông tin. Chính quyền địa phương cũng cần có sự quan tâm đúng mức trong việc quản lý tư nông nghiệp.