Dân Việt

Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL: Cần thiết nhưng nông dân phải được chia sẻ lợi nhuận nhiều hơn

Thiên Ngân 29/08/2022 09:08 GMT+7
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến xuất khẩu.

Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu gắn với hệ thống logistics phù hợp; xây dựng các chính sách đủ mạnh để doanh nghiệp tham gia và đóng vai trò then chốt, quyết định trong quá trình thực hiện; có chính sách hỗ trợ nông dân trong vùng đề án về tín dụng, vay vốn để bà con chủ động đầu tư, tránh phụ thuộc vào tín dụng đen, đại lý kinh doanh vật tư…

Trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, khắc phục hạn chế của cánh đồng mẫu lớn

Về đề án này, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho hay, việc xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao là hết sức cần thiết để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và nâng cao khả năng cạnh tranh về giá. Khu vực ĐBSCL chiếm tới 95% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, nhưng về cơ cấu giống, chất lượng gạo, sản xuất an toàn thực phẩm vẫn chưa ổn định.

Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL: Phải chứng minh được nông dân có lợi hơn - Ảnh 1.

Nông dân Cần Thơ thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

"Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp và trực tiếp những người trồng lúa đặt ra đối với Chính phủ, với Bộ NNPTNT và bộ ngành liên quan. Từ đó, chúng tôi sẽ có những đề xuất phù hợp".

Ông Lê Thanh Tùng -

Phó Cục trưởng Cục trồng trọt

Với 1 triệu ha lúa chất lượng cao, trồng 2 vụ/năm (sẽ thành 2 triệu ha lúa), năng suất khoảng 6,5 tấn/ha thì ĐBSCL sẽ có 13 triệu tấn lúa, tức sẽ được từ 6,5 - 7 triệu tấn gạo hàng hoá/năm. 

Lượng gạo hàng hóa chất lượng cao này được kiểm soát cả về sản lượng lẫn vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu.

Trên thực tế, khi đề án chưa triển khai thì vùng ĐBSCL đã có 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Báo cáo của Cục trồng trọt cho thấy, vụ hè thu 2022, ĐBSCL đã gieo sạ khoảng 1,492 triệu ha. Trong đó có 69% diện tích được gieo sạ các giống chất lượng cao, 15% diện tích lúa thơm, 8% gieo sạ nếp và chỉ có 8% là các giống lúa chất lượng trung bình. 

Như vậy có thể thấy, diện tích lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL vụ vừa qua đã vượt con số 1 triệu ha mà Chính phủ giao cho Bộ NNPTNT triển khai.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, trong 1 triệu ha lúa chất lượng cao, chúng ta sẽ từng bước khắc phục những khiếm khuyết chưa triển khai được của mô hình cánh đồng lớn. Trong đó phải dựa trên nền tảng về phần cứng, kỹ thuật canh tác bắt buộc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như xây dựng khung pháp lý cho mối quan hệ giữa người trồng lúa và doanh nghiệp tiêu thụ.

"Thứ nhất, phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao không phải là phong trào, mà là chiến lược kinh tế của địa phương. Khi xác định như vậy, địa phương sẽ "định vị" vùng nguyên liệu cụ thể hơn và không nóng vội chạy theo hình thức, số lượng. Thứ hai là phải thay đổi tư duy hợp tác. 

Chẳng hạn, nông dân sản xuất lúa với giá thành là 4.000 đồng/kg và mong muốn bán 6.000 đồng/kg, nếu doanh nghiệp đồng ý mua thì hợp tác. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ yêu cầu tiêu chí gì, thì nông dân phải đáp ứng theo thoả thuận" - ông Tùng nói.

Theo đó, về giống là giống chất lượng cao, quá trình sản xuất sẽ áp dụng các kỹ thuật "1 phải 5 giảm" hoặc "3 giảm 3 tăng", các kỹ thuật canh tác thông minh, quy trình VietGAP, GlobalGAP, hoặc hữu cơ… 

Chúng ta phân vùng sản xuất theo các tiêu chuẩn nêu trên và ở mỗi tiêu chuẩn đều phải đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm giá thành sản xuất. 2 yếu tố này sẽ giúp hạt gạo Việt Nam tăng lợi thế trên thị trường xuất khẩu nhờ được truy xuất rõ ràng.

Cần chính sách mạnh cho người trồng lúa

Theo ông Lê Thanh Tùng, trước đây Bộ NNPTNT triển khai mô hình cánh đồng lớn, nhưng vì chạy theo phong trào nên mô hình vẫn có những "nút thắt" chưa giải quyết được. Ví dụ, mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân rất lỏng lẻo, vẫn mạnh ai nấy làm. Trước đây, chúng ta xác định có doanh nghiệp đầu vào, đầu ra và ở giữa là HTX để hình thành chuỗi liên kết. 

Tuy nhiên, thực tế sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL phải dựa rất nhiều vào đội ngũ thương lái thu mua lúa, rồi nhà máy xay xát, nhà máy lau bóng... Đây là lực lượng quan trọng giúp việc lưu thông 24 triệu tấn lúa của ĐBSCL thuận lợi nhất.

Do vậy, nếu xác định vùng nguyên liệu là sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu, thì 3-4 công đoạn ở giữa cũng phải đồng thuận với nhau. Khi doanh nghiệp xuất khẩu cần gạo OM 5451 sẽ đặt hàng ở nhà máy lau bóng, nhà lau bóng sẽ đặt hàng nhà xay xát. Nhà xay xát sẽ đặt chỗ thương lái thu mua. Và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có gạo OM 5451 đúng chất lượng khi các bên làm ăn uy tín cùng nhau.

Về đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đề án có thành công được hay không cần xem xét đến mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp và người nông dân khi họ tham gia. "Nếu muốn người dân tham gia, chúng ta phải chứng minh được khi họ làm theo đề án, thu nhập của họ sẽ cao hơn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Hoan cho rằng đề án có thể xem xét để thu hút, thuyết phục các tổ chức quốc tế đồng hành, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia có thế mạnh về vấn đề này, như Thái Lan. Trong đó, vai trò của các HTX sẽ được nâng cao khi xây dựng các mối liên kết lớn hơn với doanh nghiệp.