Nông dân sản xuất giỏi huyện Hướng Hóa ở Quảng Trị phủ xanh, làm giàu trên vùng đất lửa Khe Sanh

Bích Liên (Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị) Chủ nhật, ngày 28/08/2022 19:32 PM (GMT+7)
Gần 55 năm sau ngày được giải phóng, mảnh đất mang nhiều vết tích của đạn bom, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị ngày nào giờ được phủ xanh bằng những vườn cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao.
Bình luận 0

Sự khởi sắc của nơi từng được xem là mảnh đất chết như Hướng Hóa là minh chứng cho ý chí, sức mạnh và sự hồi sinh diệu kỳ sau chiến tranh, trong đó, có sự đóng góp của những người nông dân trở về từ chiến trường khốc liệt đạn bom, vượt qua những khó khăn trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu.

 

Nông dân sản xuất giỏi huyện Hướng Hóa ở Quảng Trị phủ xanh, làm giàu trên vùng đất lửa Khe Sanh - Ảnh 1.

Nông dân Nguyễn Bắc, chi hội thôn Hiệp Hòa, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thu hoạch quả dâu tằm tại khu trang trại của gia đình.

Bước ra từ đống hoang tàn, đổ nát do chiến tranh để lại, đất và người Khe Sanh phải “gồng mình” để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Tháng 9 năm 1975, 2.665 hộ dân với 12.099 nhân khẩu từ huyện Triệu Phong được chuyển lên vùng Khe Sanh theo chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Ông Lê Đình Thi, nguyên là Bí thư Đảng ủy Thường trực Ban chỉ đạo kinh tế mới đường 9 - Khe Sanh, người trực tiếp đưa những hộ dân đầu tiên từ Triệu Phong lên lập nghiệp tại vùng đất Hướng Hóa nhớ lại: Khe Sanh những ngày sau giải phóng là một đóng hoang tàn đổ nát với chi chít những hố bom, hố pháo, cùng với đó, thời tiết ở đây khác hẳn so với đồng bằng, rét cắt da cắt thịt, mưa thì dầm dề ngày này sang ngày khác, sương mù dày đặc vào những tháng của mùa đông và mùa xuân, nhiều hộ dân không trụ lại được đã bỏ vào Nam. 

Công tác vận động nhân dân bám đất khai hoang, lập làng dường như trở thành một cuộc cách mạng mới. Và chỉ những nông dân với quyết tâm cao, bền bỉ mới ở lại, xem đây là quê hương thứ 2 để gắn bó, lập nghiệp.

Ông Võ Xuân Hằng là một đảng viên, thương binh và cũng là một trong những gương nông dân làm kinh tế giỏi tại xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa. Là một trong những người đầu tiên có mặt tại xã Tân Liên theo chủ trương di dân vùng kinh tế mới, ông hiểu hơn ai hết những khó khăn những ngày đầu “bám đất lập làng”. 

Song với một người đã từng được “tôi luyện” bởi những gian khổ của chiến tranh, ông sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, gây dựng kinh tế trên mảnh đất được ông xác định là quê hương thứ hai của mình. Bắt tay gây dựng cơ nghiệp, ông tự tay khai hoang phục hóa, tận dụng quỹ đất mở trang trại nuôi heo, đào ao thả cá và làm vườn với nhiều loại cây trồng đang đem lại thu nhập… 

Ông luôn xem mình là người may mắn khi trở về từ chiến trường, tâm niệm đó càng thôi thúc ông nỗ lực, cố gắng hơn trong cuộc sống. Ngoài mô hình trang trại, ông Hằng còn mạnh dạn mở rộng đất trồng rừng. Hiện gia đình ông đang có hơn 1 ha rừng trồng tràm, keo lai, đem lại thu nhập đáng kể. Nỗ lực làm giàu ông Hằng nói rằng: Mình xuất phát là con nhà nông dân, lại từng đi bộ đội, đã từng vào sinh ra tử, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. 

Bây giờ được trở về quê hương, sống cuộc sống thời bình luôn trân quý và cảm ơn cuộc đời. Chính vì vậy, tôi tích cực làm ăn, phát triển kinh tế để con cháu noi theo, làm thế nào có kinh tế vững chắc trong gia đình vừa góp phần cùng xã hội phát triển đi lên.

Đến huyện Hướng Hóa, biết đến anh Nguyễn Bắc hội viên nông dân chi hội thôn Hiệp Hòa, xã Tân Liên là gương nông dân người điển hình làm kinh tế giỏi. Sau khi xuất ngũ, anh quyết định về quê mở trang trại trên chính khu đất đồi được ba mẹ để lại. Bước đầu, anh Bắc gặp nhiều khó khăn do mảnh đất anh làm kinh tế chịu nhiều vết tích của chiến tranh. 

Hố bom, hố pháo và bom mìn còn sót lại khiến việc canh tác gặp nhiều thử thách, song người nông dân này vẫn luôn cháy bỏng quyết tâm, khát khao lập nghiệp. Hiện anh Nguyễn Bắc đã đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp rộng trên 2ha khá bài bản. Trang trại của anh nuôi heo, trồng các loại cây mang lại thu nhập ổn định như tiêu, cà phê mít. 

Đặc biệt, những năm trở lại đây, trên một số diện tích đất, cây trồng không mang lại hiệu quả kinh tế, anh Bắc đã tìm hiểu, mạnh dạn đưa vào trồng cây dâu tằm, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Hiện nay, vườn dâu tằm của gia đình anh Bắc hướng đến mục tiêu vừa sản xuất, vừa thu hái bán ra thị trường, vừa phục vụ khách tham quan trải nghiệm nông nghiệp sạch để tạo giá trị kinh tế “kép”. 

Đến Khe Sanh hôm nay, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của mảnh đất từng được ví là “vùng đất chết” này. Khe sanh giờ đây được phủ xanh bằng những vườn cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao. Trong sự chuyển mình của Khe Sanh, của huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) luôn khắc đậm và gắn liền với hình ảnh những người dân cần cù, sáng tạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem