Lăng Ông ở Bà Chiểu: Trăm năm dấu xưa trên đất Sài Gòn - Gia Định. Video: Nguyên Thịnh - Hồng Phúc
Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt thường được gọi là Lăng Ông, nay tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Do nằm trong khu vực chợ Bà Chiểu nên người dân cũng quen gọi là "Lăng Ông Bà Chiểu", tức "Lăng Ông ở (khu) Bà Chiểu".
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) là một trong những bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn, cũng là nhân vật lịch sử có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất phương Nam.
Bà Lâm Thị Hoàng Oanh - Trưởng Ban quản lý Di tích Lịch sử Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt cho biết, Lăng Ông có từ năm 1848, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Toàn khu lăng rộng khoảng 18.500 m2, tọa lạc trên một gò đất cao với vị thế đắc địa.
Cổng tam quan Lăng Ông, tức cổng Nam hướng ra đường Vũ Tùng, có ghi ba chữ Hán "Thượng Công Miếu". Trước năm 1975, kiến trúc cổng độc đáo này cùng với hàng thốt nốt cao vút trước cổng từng được xem là hình ảnh biểu tượng của vùng đất Sài Gòn - Gia Định.
Phía cổng Tây của lăng hướng về con đường trước kia là đường Đinh Tiên Hoàng, từ tháng 7/2020 đã chính thức được đổi tên thành đường Lê Văn Duyệt, đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu, theo Nghị quyết của HĐND TP.HCM.
Các hạng mục quan trọng nhất ở đây là khu nhà bia, lăng mộ và miếu thờ, tất cả nằm trên một trục chính.
Trong đó, phần mộ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt chính là công trình kiến trúc cổ nhất của di tích, được tồn tại ổn định từ năm 1848, gồm hai mộ song táng như nửa quả trứng úp trên bệ lớn hình chữ nhật.
Nằm song song với mộ Đức Tả quân là mộ Chánh thất Tả quân phu nhân Đỗ Thị Phẫn. Hai ngôi mộ còn được gọi là mộ "quy", vì có hình dáng như con rùa đang nằm. Khu mộ có bình phong và tường bao quanh.
Phía trước mộ là nhà bia, đặt bia đá "Lê công miếu bia" khắc bằng chữ Hán, do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894). Nội dung văn bia ca tụng công đức của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.
Sau khu mộ là khu miếu thờ, gồm tiền điện, trung điện và chánh điện nối tiếp nhau. Tiền điện và trung điện là hai đơn nguyên kiên trúc xây dựng từ năm 1915 có cột gỗ, lợp mái ngói âm dương cổ kính. Tại trung điện có tượng ngựa lớn nằm về hai bên. Người dân đến đây cúng bái thường sờ chạm, vuốt bờm ngựa và chui qua ngựa để cầu sức khỏe, bình an.
Chánh điện được xây dựng bằng bê tông cốt thép vào năm 1970. Khám giữa chánh điện thờ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Tổng trấn Gia Định thành. Ở đây đặt bức tượng đồng uy nghi của Ngài, được đúc năm 2008, cao 2,7m, nặng 3.000kg, lấy mẫu từ chân dung Tả quân Lê Văn Duyệt in trên tờ giấy bạc lưu hành ở Sài Gòn trước năm 1975.
Hai bên trái, phải thờ Hiệp biện đại học sĩ Phan Thanh Giản và Đức quận công thiều phó Lê Chất.
Tiền điện, trung điện và chánh điện đều có nhiều đồ thờ cổ kính như lỗ bộ, tàn, lọng, hương án, lư hương, chân đèn, bình bông…
Về kiến trúc, kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá hay khảm sành sứ, thủy tinh tinh xảo, duyên dáng cũng điểm tô thêm cho vẻ đẹp trang nghiêm của Lăng Ông, mang dáng dấp dấu ấn kỹ thuật tiếp thu từ những công trình kiến trúc cung đình Huế.
Đầu năm nay, tháng 4/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công bố Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, tháng 7/2021, UBND TP.HCM đã đề xuất công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của người dân Bình Thạnh và nói riêng và người dân TP.HCM, khu vực phía Nam nói chung.
"Để Lễ hội Khai hạ - Cầu an được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là công sức của bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ đi trước. Chúng tôi rất vui, rất tự hào, đồng thời, nhớ ơn những người đi trước. Chúng tôi cũng phải tiếp tục bồi dưỡng, huấn luyện cho thế hệ trẻ để tiếp tục giữ gìn lễ hội", Trưởng Ban quản lý Di tích Lịch sử Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt - bà Lâm Thị Hoàng Oanh, nói với Dân Việt.
Theo bà Oanh, lễ hội Khai hạ - Cầu an là loại hình sinh hoạt văn hóa được hình thành và tồn tại từ lâu đời trong đời sống văn hóa của các tầng lớp người dân Nam Bộ.
Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Ông diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, với các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn. Lễ hội thường được chia thành nhiều phần khác nhau như hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn.
Đây là điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ và TP.HCM để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, hy vọng một năm mới mọi việc đều thuận lợi, hanh thông, làm ăn phát đạt, cũng như thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong lao động, sinh hoạt và bảo vệ đất nước.
Một trong những nét đặc sắc không thể thiếu của lễ hội là biểu diễn hát bội với các tuồng tích như Lê Công kỳ án, Ngũ hổ Bình Tây, Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ…, đặc biệt là tuồng San Hậu mà sinh thời Tả quân Lê Văn Duyệt yêu thích. Đức Thượng công cũng được xem là người có công phát triển và gìn giữ nghệ thuật hát bội trong văn hóa dân tộc.
Lễ đón nhận bằng chứng nhận di sản cho lễ hội được UBND quận Bình Thạnh tổ chức long trọng nhân lễ giỗ lần thứ 190 của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, vào sáng 25/8, một ngày trước khi chính thức bước vào các hoạt động của lễ giỗ.
Lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt cũng là sự kiện được cử hành long trọng hàng năm tại Lăng Ông theo nghi thức cấp tiểu cung đình triều Nguyễn, vào các ngày 29 hoặc 30/7, mồng 1 và 2/8 âm lịch.
Trong những ngày lễ giỗ có các nghi thức nhạc lễ, lễ sanh, đào thái, ban tế với lễ phẩm cúng giỗ là trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa, cùng các vật phẩm trái cây Nam Bộ.
Không biết tự bao giờ, Lăng Ông đã trở thành một biểu tượng, một địa danh quen thuộc, quan trọng của khu Bà Chiểu, của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM.
Mùng 1 đầu năm đi lễ Lăng Ông là một nét văn hóa ngày Xuân, ngày Tết rất đẹp của bao thế hệ người dân vùng đất này từ xưa tới nay. "Ngày đầu một năm đi lễ Lăng Ông…", câu hát mở đầu trong bài Hỏi nàng xuân (Vinh Sử, Cô Phượng) quen thuộc chắc hẳn gợi nhắc kỷ niệm với rất nhiều người.
Đầu năm, người người nhà nhà đi lễ Lăng Ông để thắp nhang, hái lộc, cúng kiếng, cầu phước, cầu an, ký thác niềm tin, mong muốn những điều tốt đẹp nhất.
Cũng không thể không nhắc đến tục xin xăm Ông. Ở khu Tây Lang của lăng, người ta dễ nghe tiếng "lắp xắp, lắp xắp" đều đặn phát ra mỗi khi có người lắc ống xăm. Đây là nơi người dân, du khách thường đến xin xăm Ông vào những ngày đầu xuân, hay những khi có việc hệ trọng cần kính thỉnh thần ý… Xin xăm Ông cũng là phong tục đẹp của người dân từ xưa đến nay.
Những năm gần đây, Lăng Ông còn là địa điểm check-in không thể thiếu của giới trẻ TP.HCM. Trong những bộ áo dài thướt tha, những bộ cổ phục thuần Việt, tay cầm nhánh mai, cành đào, với phông nền là kiến trúc cổ kính của lăng, các bạn trẻ thỏa sức ghi lại những bức ảnh đẹp lung linh, "khoe" nhau trên mạng xã hội.
Khuôn viên Lăng Ông còn được xem là mảng xanh hiếm hoi giữa lòng thành phố. Nơi đây có nhiều cây cổ thụ mấy người ôm mới xuể như cây thốt nốt đôi độc đáo, cây đa ôm lấy cây thốt nốt, cây hoa sala sai hoa, trĩu trái…
Vào mỗi sáng sớm, nhiều người dân ở quanh khu Bà Chiểu thường vào lăng tập thể dục, hít thở không khí trong lành. Lăng Ông gắn bó với đời sống người dân địa phương từ những điều bình dị như thế.