Khám phá dinh thự vua Mèo được xây dựng 15.000 đồng bạc hoa xòe ở mảnh đất Hà Giang hùng vĩ
Khám phá dinh thự vua Mèo xây hết 15.000 đồng bạc hoa xòe ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc
Minh Ngọc - Ngọc Hải
Thứ năm, ngày 08/09/2022 07:00 AM (GMT+7)
Nhà của vua Mèo hay còn gọi là Dinh thự họ Vương tọa lạc trên quả đồi hình con rùa, xung quanh có núi rừng bao bọc, được xem là mảnh đất của bậc anh kiệt. Toàn bộ dinh thự mất 9 năm để hoàn thành và tiêu tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương.
CLIP: Dinh thự vua Mèo ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Thực hiện: Ngọc Hải
Dinh thự Vua Mèo tại xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) được xây từ thời Vương Chính Đức. Theo tư liệu từ gia đình, ông Vương Chính Đức sinh năm 1865, được người H’Mông gọi là Vàng Dúng Lùng. Ảnh: Ngọc Hải
Gia đình Vương Chính Đức rất nghèo, thiên di từ Quý Trâu (Trung Quốc) đến mảnh đất Đồng Văn vào những năm giữa thế kỷ XVIII. Khi lớn lên Vương Chính Đức phải lang thang nay đây mai đó để kiếm kế sinh nhai. Sau đó đã tham gia vào một tổ chức có tên gọi "Hươu nai" của người H'Mông để chống lại quân Cờ Đen. Trong quá trình đấu tranh với quân Cờ Đen, Vương Chính Đức được người H'Mông suy tôn làm thủ lĩnh cai quản mảnh đất Đồng Văn. Ảnh: Ngọc Hải
Để xây dựng tòa dinh thự, năm 1890 Vương Chính Đức đã mời thầy địa lý người Hán tên là Trương Chiếu ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn đi tìm địa điểm. Sau thời gian dài đi khắp Đồng Văn tìm địa điểm, cuối cùng Trương Chiếu đã chọn mảnh đất Sà Phìn để xây dinh thự. Thầy địa lý giải thích giữa thung lũng Sà Phìn nổi lên một quả đồi hình con rùa, xung quanh là núi cao bao bọc. Xây nhà trên lưng con rùa sẽ giàu sang phú quý suốt đời. Ảnh: Ngọc Hải
Khi thầy địa lý chọn xong, Vương Chính Đức giao cho cụ Nguyễn Hoàng - mưu sĩ người kinh gốc Nam Định và ông Cử Chúng Lù - người phụ trách đội quân người H’Mông của Vương Chính Đức, nghiên cứu, phác họa tòa nhà trên mảnh đất. Vương Chính Đức mời người Hán ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là Tống Bách Giao thầu, thiết kế và thi công. Tống Bách Giao lấy người Hồi ở huyện Tuyên Uy, tỉnh Vân Nam, để thiết kế và thi công.
Tòa dinh thự khởi công năm 1898 đến 1903 thì khánh thành. Tổng kinh phí hết khoảng 15.000 đồng bạc hoa xòe (năm 1930, một đồng bạc hoa xòe bằng 10 franc của Pháp). Khu dinh thự được xây kiểu pháo đài phòng thủ. Xung quanh được bao bọc bởi lớp tường đá dày 60-70 cm, cao 2 m, có nhiều lỗ châu mai. Phía sau nhà có 2 lô cốt kiên cố.
Tòa dinh thự họ Vương là sự kết hợp của 3 nền văn hóa H'Mông, Trung Quốc và Pháp. Ảnh: Ngọc Hải
Theo đó, văn hóa của người H'Mông là: kỹ thuật xếp đá làm bức tường đá bao quanh tòa dinh thự, kỹ thuật trình tường nhà bằng đất sét, kỹ thuật làm ngói âm dương, hình tượng quả thuốc phiện làm đá kè chân cột nhà trạm khắc gỗ hình hoa đào, mận, lê...; Ảnh: Ngọc Hải
Văn hóa Trung Quốc là: đi từ thấp lên cao qua tiền dinh, trung dinh rồi tới hậu dinh, nhà gỗ 2 tầng với 64 phòng liên thông, mái nhà lợp ngói âm dương, nóc nhà và các đầu hồi có các hình uốn lượn, trong nhà có các sân theo quy luật phong thủy; Đối với văn hóa Pháp là: một số phòng có lò sưởi, có 2 lô cột tại khu vực hậu dinh, bức tường đá bảo vệ sinh có 36 lỗ châu mai, cửa sổ có 3 lớp (ngoài cùng cửa gỗ, giữa là lớp chấn song bằng sắt, trong cùng là cửa kính), vật liệu sắt, kinh được chở từ Pháp sang. Ảnh: Ngọc Hải
Sân giữa tiền dinh có tấm biển sơn son thếp vàng với dòng chữ Hán: “Biên chính khả phong” (Chính quyền biên cương vững mạnh), được nhà Nguyễn mang từ Huế ra gắn cho dinh thự Vương Chính Đức vào năm Khải Định thứ 13 cùng thẻ bài ngà voi và mũ áo tấn phong cho ông làm quan triều đình. Ảnh: Ngọc Hải
Hai dãy nhà hai bên trung dinh là nơi nghỉ, ăn uống của họ hàng khi đến chơi (tầng 1 dành cho đàn bà, tầng 2 của đàn ông). Nhà chính trung dinh có bàn thờ tổ tiên kiêm phòng ăn của Vương Chính Đức tiếp người thân trong họ hàng; phòng ngủ của Vương Chí Chư (con trai thứ ba của Vương Chính Đức); phòng ngủ của vợ con Vương Chí Chư. Hậu dinh là nơi ăn, nghỉ sinh hoạt của Vương Chính Đức cùng vợ và các con chưa lập gia đình. Ảnh: Ngọc Hải
Hai dãy nhà hai bên trung dinh là nơi nghỉ, ăn uống của họ hàng khi đến chơi (tầng 1 dành cho đàn bà, tầng 2 của đàn ông). Nhà chính trung dinh có bàn thờ tổ tiên kiêm phòng ăn của Vương Chính Đức tiếp người thân trong họ hàng; phòng ngủ của Vương Chí Chư (con trai thứ ba của Vương Chính Đức); phòng ngủ của vợ con Vương Chí Chư. Hậu dinh là nơi ăn, nghỉ sinh hoạt của Vương Chính Đức cùng vợ và các con chưa lập gia đình. Ảnh: Ngọc Hải
Theo ông Vương Duy Bảo (cháu nội Vương Chí Thành), trước khi mất, Vương Chính Đức chia tòa dinh thự ở Sà Phìn thành ba phần. Tiền dinh do cháu đích tôn Vương Quỳnh Sơn quản lý. Trung dinh do con thứ ba Vương Chí Chư quản lý. Hậu dinh do con út Vương Chí Sình quản. Việc này có sự chứng dám của các đầu dòng, đầu họ người H’Mông. Ảnh: Ngọc Hải
Hiện vật dụng còn sót lại gắn với cuộc đời của Vương Chính Đức là tấm phản đặt ở dãy nhà ngang trong cùng của hậu dinh và bể nước đục bằng đá khối đặt tại sân hậu dinh. Tấm phản là nơi để Vương Chính Đức hút thuốc phiện cùng khách. Ảnh: Ngọc Hải
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.