Sau thời gian ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thị trường hàng không Việt Nam đang dần lấy lại đà phục hồi khi nhu cầu đi lại, vận chuyển bằng máy bay của hành khách tăng cao.
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sản lượng hành khách 8 tháng đầu năm 2022 tại 21 cảng hàng không mà ACV đang khai thác ước đạt hơn 66 triệu hành khách. Trong đó, hành khách nội địa ước đạt gần 61 triệu hành khách, tăng 19,9% so với năm 2019. Hành khách quốc tế mặc dù chỉ đạt hơn 5 triệu hành khách, giảm 81,5% so với năm 2019 nhưng đã có sự gia tăng qua các tháng.
Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm hè 2022, sản lượng tăng rõ rệt so với năm 2019. Cụ thể, tháng 4 tăng 19%; tháng 5 tăng 32%, tháng 6 tăng 40%, tháng 7 tăng 42% và tháng 8 tăng 40%. Nhiều cảng hàng không đã khai thác vượt công suất công bố tại các nhà ga hành khách nội địa như Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh…
Đáng chú ý, 10/7 là ngày có sản lượng hành khách cao nhất (đạt 414.222 khách). Trong đó, sản lượng hành khách nội địa đạt 373.540 khách, vượt qua sản lượng cao nhất đã đạt vào ngày 26/07/2020 là 343.492 khách. Đây cũng là ngày có sản lượng hành khách nội địa cao nhất trong lịch sử khai thác của ACV.
Về sản lượng hàng hoá 8 tháng đầu năm 2022 qua các cảng giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng sản lượng hàng hóa quốc tế/quốc nội có sự thay đổi nhẹ khi năm 2022 là 79/21, trong khi năm 2019 là 66/34.
Cũng theo ACV, các tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác nội địa đã hồi phục hoàn toàn khi sản lượng cất hạ cánh đã vượt qua mức sản lượng cất hạ cánh cao nhất của năm 2019 (thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19), đạt 157.762 lượt cất hạ cánh (tương đương 103% so với năm 2019).
Đáng chú ý, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong những cảng có tốc độ phục hồi nhanh nhất trong số 21 cảng hàng không mà ACV đang khai thác. Tính riêng 6 tháng đầu năm, lượng khách qua Tân Sơn Nhất ước đạt gần 14,8 triệu lượt, đạt 52,9% kế hoạch cả năm 2022. Trung bình mỗi ngày, sân bay phục vụ từ 98.000 - 100.000 lượt khách.
Đánh giá về sản lượng khai thác hành khách, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho thị trường hàng không nội địa Việt Nam đã có sự phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, lượng hành khách tăng đột biến đã gây nên sức ép lên hạ tầng.
Chính vì vậy, tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không trong nước gia có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, việc ùn ứ hành khách khu vực soi chiếu an ninh; chậm giải tỏa hành khách, hàng hóa sau khi tàu bay hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay đang được xem là những điểm nghẽn, bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến hành khách.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng chỉ đạo các sân bay phải đầu tư hệ thống thu phí không dừng (ETC) để phương tiện đi lại thông suốt, tránh tình trạng ùn tắc. Đây là một trong các giải pháp giảm ùn tắc, chậm hủy chuyến tại các sân bay.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư thêm hệ thống camera khu vực trước sân bay và tăng cường kiểm tra, xử lý xe dừng, đỗ sai quy định. Theo đó, chỉ đạo này đã nhận được sự hưởng ứng từ hệ thống 22 sân bay cả nước vì đây là một trong những giải pháp giảm ùn tắc và giúp phương tiện di chuyển nhanh hơn.
Một lãnh đạo ACV cho hay, đơn vị đã tính toán để triển khai hệ thống ETC tại hệ thống 21 sân bay do ACV khai thác. Hiện, ACV đang thống nhất giải pháp kỹ thuật, lắp đặt và vận hành với các công ty giải pháp phần mềm. Theo đó, trước mắt đơn vị sẽ thử nghiệm tại hai sân bay đông khách nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được thí điểm đầu tiên và dự kiến trong tháng 10/2022 sẽ đưa vào thử nghiệm.
Theo đó, ACV sẽ tính đến phương án phân luồng đối với xe vào nhà xe nếu hệ thống đọc dữ liệu kết nối phương tiện sẽ lưu thông thẳng ra bên ngoài thay vì qua trạm thu phí. Cùng với đó, giải pháp phần mềm sẽ kết nối với dữ liệu hệ thống giao thông đường bộ, cao tốc. Như vậy, phương tiện đã dán thẻ thu phí không dừng đường bộ, cao tốc có thể kết nối ra vào sân bay thu phí không dừng.
Ngoài ra, lãnh đạo ACV cho biết việc vận dụng công nghệ, áp dụng chuyển đổi số cũng là mục tiêu hằng đầu của đơn vị. Theo đó, ACV đã yêu cầu các cảng hàng không tăng cường theo dõi, kiểm soát slot tuân thủ đúng quy định đồng bộ, thống nhất tại các Cảng hàng không. Từ đó, hạn chế áp lực hạ tầng cảng hàng không do dồn chuyến vào các khung giờ cao điểm, kết hợp đảo bảm công tác phòng chống dịch Covid -19.
Song song, đối với công tác nâng cao chất lượng khai thác, bên cạnh cam kết chất lượng dịch vụ mặt đất (Service Level Agreement - SLA) tại 17 cảng hàng không chi nhánh với các hãng hàng không trong nước, ACV cũng chủ trương triển khai chương trình đánh giá chứng nhận an toàn khai thác mặt đất - IATA Safety Audit for Ground Operations (ISAGO) do Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) thực hiện.
Điều này nhằm chuẩn hóa hoạt động khai thác mặt đất tuân thủ theo các quy trình, tiêu chuẩn quốc tế góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập toàn cầu của ACV trong hệ thống đơn vị cung ứng dịch vụ mặt đất.
"Một trong những vấn đề được ACV đặt ra là việc đầu tư nâng cấp công nghệ thông tin tại các cảng hàng không thời gian tới như ứng dụng chuyển đổi số tại các cảng hàng không trực thuộc như hệ thống Kiosk check-in dùng chung, Bagdrop dùng chung, eGate (Self Boarding Gate), nghiên cứu và ứng dụng Biometric (IATA One Id), AI &Big Data, Biometric Technology with Security… nhằm hướng tới sân bay thông minh", lãnh đạo ACV cho hay.