Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là thiếu nhà ở có giá vừa túi tiền TP.HCM diễn ra trong thời gian dài tại TP.HCM.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung phân khúc nhà ở cao cấp chiếm hơn 80%, nhà ở trung cấp chiếm gần 20%, còn nhà ở bình dân không còn (0%). Sở Xây dựng cho biết, đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững.
Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, những năm gần đây lại liên tục sụt giảm nguồn cung dự án.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM dẫn chứng, năm 2018, nguồn cung chỉ có 28.316 căn nhà, bằng 65,8% so với năm 2017; năm 2019, nguồn cung chỉ có 23.046 căn nhà, bằng 53,6% so với năm 2017; năm 2020, nguồn cung chỉ có 16.895 căn nhà, bằng 39,2% so với năm 2017; năm 2021, nguồn cung chỉ có 14.443 căn nhà, bằng 33,6% so với năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung chỉ có 9.456 căn nhà, bằng 44% so với 6 tháng đầu năm 2017.
Trong đó, loại nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 tại TP.HCM năm 2020 chỉ chiếm 1%; năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 chỉ có nhà ở cao cấp và nhà ở trung cấp, thị trường không còn nhà ở bình dân (0%). Theo đó, nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo: năm 2017 chiếm 25,5%, năm 2018 chiếm 30%, năm 2019 chiếm 67,1%, năm 2020 chiếm 42,1%, năm 2021 chiếm 72% và 6 tháng đầu năm 2022 chiếm đến 80,13%.
Ông Châu nhận định việc thiếu cung trong lúc tổng cầu rất lớn đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Chỉ số giá nhà ở cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở.
Đánh giá về vấn đề này, ông Neil MacGregor - Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng những vướng mắc lớn, cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản đang khiến thị trường lệch pha. Do đó, cần nhiều giải pháp thiết thực để sớm giải quyết triệt để vấn đề này. Cụ thể, quy trình phê duyệt quy hoạch tổng thể cần được sắp xếp hợp lý hơn so với hiện tại. Song song đó, cần bổ sung quỹ đất khu trung tâm cho phát triển dự án nhà ở và triển khai đúng hạn các dự án hạ tầng để hỗ trợ quá trình phát triển đô thị.
Trong bối cảnh TP.HCM thiếu nguồn cung nhà ở trầm trọng thì hàng loạt dự án - với số lượng hàng chục ngàn căn hộ dự kiến cung ứng ra thị trường lại đang... bất động vì vướng thủ tục pháp lý.
Theo đó, HoREA đã có tổng cộng 4 công văn kiến nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc của 116 dự án bất động sản nhà ở thương mại. Theo HoREA, hầu hết vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý hoặc thủ tục đầu tư xây dựng, đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được TP.HCM gỡ vướng.
Được biết, đa số các chủ đầu tư trong 116 dự án này kiến nghị cơ quan chức năng đẩy nhanh công tác tính tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) để doanh nghiệp hoàn thành thủ tục pháp lý. Nên ưu tiên cấp trước sổ đỏ cho người dân, còn đối với các phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư có thể cấp sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có).
Một số chủ đầu tư các dự án khác kiến nghị thành phố sớm hoàn thành thủ tục tính tiền sử dụng đất, cập nhật các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, cập nhật chỉ tiêu quy hoạch 1/2000... Đơn cử như các dự án Moonlight Residences, Lavita Charm, Citizen.TS, Sài Gòn Mia, Richmond City, Lavita Garden, Melody Residences, Sky Center…
Trước vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thời gian qua, Sở Xây dựng được UBND TP giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tổng hợp ý kiến và báo cáo tiến độ kết quả giải quyết của các dự án nhà ở trên địa bàn. Theo đó, hiện nay các sở, ngành liên quan báo cáo vướng mắc của các dự án còn rất chậm.
Cụ thể, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết thực tế các vướng mắc đều phát sinh ở tất cả các sở, ngành và quận, huyện. Phổ biến là những vướng mắc về đất đai, tình hình sử dụng đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất và hầu hết thuộc thẩm quyền tham mưu, giải quyết của Sở Tài nguyên Môi trường. Quá trình tổng hợp, Sở Xây dựng không kịp thời nhận được thông tin giải quyết của các đơn vị về tiến độ thực hiện.
Để tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành trong việc phối hợp thực hiện, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản giao trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ. Trường hợp các đơn vị chậm báo cáo hoặc chậm có ý kiến sẽ chịu trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND TP.HCM.