3 dự án được cấp vốn, TP.HCM kỳ vọng đón thêm nguồn cung nhà ở xã hội

Hồng Trâm Thứ hai, ngày 22/08/2022 16:11 PM (GMT+7)
3 dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM đủ điều kiện vay vốn lãi suất 2% được kỳ vọng sẽ cải thiện nguồn cung nhà giá rẻ, góp phần giải quyết nhu cầu an cư cho hàng ngàn công dân.
Bình luận 0

Ưu đãi vốn vay cho dự án nhà ở xã hội

Nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại TP.HCM là rất lớn. Những năm qua, nguồn cung sản phẩm này chưa đáp ứng được lượng cầu lớn của người dân.

Thực tế cho thấy, nhiều dự án được người dân kỳ vọng lại đang vướng mắc về thủ tục pháp lý, thiếu nguồn vốn… nên chưa thể sớm xây dựng, phục vụ nhu cầu nhà giá rẻ cho người dân.

3 dự án được cấp vốn, TP.HCM kỳ vọng đón thêm nguồn cung nhà ở xã hội - Ảnh 1.

TP.HCM thiếu nhà ở xã hội. Ảnh: H.T

Để giải quyết tình trạng này, vừa qua, Bộ Xây dựng có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (đợt 2) đủ điều kiện vay vốn ưu đãi với mức lãi suất 2%.

Trên cơ sở rà soát các điều kiện được quy định, TP.HCM có 3 dự án nhà ở xã hội được nhận ưu đãi vay vốn lãi suất 2%. Bao gồm: Dự án nhà ở xã hội thuộc dự án Khu nhà ở phường Long Trường, TP. Thủ Đức do Công ty TNHH xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư. Quy mô 558 căn hộ, tổng mức đầu tư 522,1 tỷ đồng. Nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND TP là 365 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý 3/2024.

Tiếp theo đó là dự án nhà ở xã hội Lý Thường Kiệt tại số 324 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10 do Công ty CP Đức Mạnh làm chủ đầu tư, quy mô gồm 1.245 căn hộ, tổng mức đầu tư 1.561 tỷ đồng. Nhu cầu vay vốn theo đề xuất là 570 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý 1/2024.

Và cuối cùng là dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê tại Cụm công nghiệp quận 2, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức do Công ty CP Thủ Thiêm Group làm chủ đầu tư. Quy mô dự án gồm 1.040 căn hộ, tổng mức đầu tư 1.119,6 tỷ đồng. Nhu cầu vay vốn theo đề xuất là 700 tỷ đồng.

3 dự án được cấp vốn, TP.HCM kỳ vọng đón thêm nguồn cung nhà ở xã hội - Ảnh 3.

TP.HCM có 3 dự án nhà ở xã hội được hỗ trợ vay vốn 2%. Ảnh: H.T

Theo các chuyên gia, 3 dự án trên nếu triển khai với tổng quy mô hàng ngàn căn hộ được tạo điều kiện vay vốn để sớm triển khai sẽ giúp cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội. Từ đó, góp phần giải quyết bài toán an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho TP.HCM.

Công nhân khát khao sở hữu nhà ở xã hội

Theo số liệu được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong giai đoạn 2015 - 2020, TP.HCM xây dựng được 15.000 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp vùng đô thị, công nhân lao động và người nhập cư.

Hiện, TP.HCM có khoảng 285.000 công nhân làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng chỉ có 15% được thuê ở tại các nhà lưu trú công nhân, chưa bao gồm 95.000 công nhân các cụm công nghiệp. Những năm qua, để có chỗ nương thân, lực lượng lao động chỉ còn cách thuê nhà trọ bên ngoài.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho hay, thời gian qua thành phố đã tập trung triển khai chương trình nhà ở xã hội nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Theo kế hoạch, thành phố sẽ cố gắng xây dựng khoảng 70.000 căn trong thời gian tới.

3 dự án được cấp vốn, TP.HCM kỳ vọng đón thêm nguồn cung nhà ở xã hội - Ảnh 4.

Nhu cầu nhà ở giá rẻ của công nhân tại TP.HCM tăng cao. Ảnh: H.T

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền dành cho người lao động. Trong đó, Vingroup cam kết xây dựng 500.000 căn. Novaland sẽ đầu tư xây dựng 200.000 căn tại các tỉnh thành phía Nam và trọng tâm là TP.HCM. Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ xây dựng 150.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền tại TP.HCM và mở rộng ra các tỉnh thành lân cận.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, về giải pháp, trước hết nên bổ sung cơ chế chính sách "ưu đãi một phần" (có thể bằng phân nửa chính sách ưu đãi nhà ở xã hội) để phát triển "nhà ở giá phù hợp với thu nhập" của người thu nhập trung bình, thu nhập thấp vùng đô thị theo đề xuất của Bộ Xây dựng.

Đồng thời, nên quy định đối với tất cả các dự án nhà ở thương mại, chủ đầu tư phải dành 20% đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 5 Điều 13, Khoản 2 Điều 16, Khoản 4 Điều 26 và Điều 56 Luật Nhà ở 2014.

Mặt khác, theo ông Châu, cần quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án, hoặc hoán đổi quota 20% quỹ nhà ở hoặc quỹ đất ở của dự án nhà ở thương mại bằng số lượng nhà ở xã hội tương đương tính theo căn hộ, hoặc diện tích sàn căn hộ, hoặc diện tích đất ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tại thời điểm hoán đổi để sử dụng làm nhà ở xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem