Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao thu nhập cho người dân và khiến cho diện mạo nông thôn có những thay đổi tích cực.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 109/137 xã về đích nông thôn mới. Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 97% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 133 xã). Trong đó, phấn đấu 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (53 xã), trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (15 xã).
Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã. Có 7 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (huyện Phú Bình).
Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tỉnh Thái Nguyên dự kiến huy động tổng nguồn vốn trên 55.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 10.000 tỷ đồng gồm: Ngân sách Trung ương 2.804 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.260 tỷ đồng, vốn lồng ghép 1.527 tỷ đồng, vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp 3.507 tỷ đồng và vốn tín dụng 45.000 tỷ đồng.
Ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên đang huy động mọi nguồn lực và sử dụng có hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Trong đó, quan tâm đặc biệt đến những nguồn xã hội hóa với những xã đã đạt chuẩn, huy động sức dân, sức lực của cộng đồng để triển khai hiệu quả chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới, khơi dậy những khát vọng, ước muốn của người dân làm giàu cho quê hương.
Trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung: Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm và nâng cao thu nhập cho người dân. Phát triển các mô hình kinh tế tập thể, Hợp tác xã. Nâng cao mô hình, quy mô sản xuất từ trang trại, gia trại trở thành Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, có như vậy mới có sức cạnh tranh với thị trường. Đồng thời, khắc phục nhược điểm lớn nhất kinh tế hộ gia đình là chính dẫn đến việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ.
Nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuẩn hóa các sản phẩm và quảng bá, xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị sản phẩm.
Triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm, theo hướng nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ liên xã, liên huyện.
Đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng, từ đó có kế hoạch, giải pháp cụ thể để hoàn thiện các tiêu chí.
Đối với các xã đã đạt chuẩn, tiếp tục rà soát, nếu đã đảm bảo đáp ứng yêu cầu thì đánh giá xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025.
Với sự đồng lòng của người dân, sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin chắc rằng chương trình xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên trong giai đoạn mới sẽ đạt được những kết quả tích cực, giúp tỉnh Thái Nguyên có bước tiến vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực.