Ủ cá thành phân, vườn cây ăn quả của nông dân Gia Lai ra quá trời trái
Vườn cây ăn quả của bà nông dân Gia Lai ra trái quá trời, bất ngờ khi thấy loại phân bón "handmade" này
Hoàng Lộc
Chủ nhật, ngày 04/09/2022 19:01 PM (GMT+7)
Tận dụng xác của con cá, một bà nông dân U60 ở tỉnh Gia Lai đã ủ thành phân bón hữu cơ. Chính điều này đã giúp đất đai thêm tơi xốp, màu mỡ giúp cây ăn quả các loại ra nhiều trái, mã đẹp, đạt năng suất, chất lượng.
CLIP: Bà Trần Thị Hồng (buôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) chế biến phân bón hữu cơ từ xác cá rồi bón cho cây ăn trái trong vườn nhà. Thực hiện: Hoàng Lộc
Bà Trần Thị Hồng Yến (58 tuổi, trú tại buôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) gắn bó với nghề trồng rau hơn chục năm nay. Như các gia đình khác, bà thường sử dụng các loại phân hóa học và thuốc trừ sâu để bón cho cây trồng. Tuy nhiên, một thời gian dài, bà nhận thấy cây rau của mình nhiễm bệnh rồi chết dần
"Năm 2019, tôi có trồng 1ha rau bồ ngót. Tuy nhiên, một thời gian sau, 1/3 diện tích bị chết. Sau khi tìm hiểu, tôi mới nhận ra rằng, mình đã sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên đất đai bị thoái hóa, nhiễm bệnh dẫn đến cây trồng kém phát triển", bà Yến nói.
Vào cuối năm 2020, bà Yến tham gia hội thảo nông nghiệp do Hội nông dân huyện Phú Thiện tổ chức. Tại đây, bà được các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn cách làm phân bón hữu cơ từ xác cá. Sau đó, bà đã ghi chép công thức cẩn thận rồi đến tham quan mô hình cây trồng sử dụng phân cá để học hỏi, trau dỗi thêm kỹ thuật, quy trình chế biến.
Sau khi lĩnh hội đầy đủ kiến thức, bà bắt tay vào làm. Thời gian đầu, người phụ nữ này tới những khu chợ cá trên địa bàn huyện Phú Thiện để thu mua hết bộ phận bỏ đi của con cá. Tuy nhiên, lượng cá dần khan hiếm nên bà đã chủ động tìm đến trang trại nuôi cá, hồ Ayun Hạ để thu mua. Khi đã có đầy đủ thành phần xác cá, bà tiến hành chế biến và ủ phân.
Chia sẻ về quy trình ủ phân bón cá, bà Yến cho hay: "Đầu tiên, tôi dùng dùng xác cá đã lọc thịt 100kg cho vô thùng phuy khối lượng 200 lít. Sau đó, tôi dùng 7 lít rỉ mật mía (giúp làm tăng lượng vi sinh) và 2kg men vi sinh gốc, nước trộn đều lên xác cá, khuấy đều rồi đậy nắp lại cho thật kín. Đều đặn khoảng 7 ngày, tôi lại đảo đều lên 1 lượt cho cá ngấm rồi đậy nắp kín lại. Trung bình, tôi ủ phân này khoảng 60 ngày là có thể sử dụng được".
Hiệu quả của phân bón cá
Khi đã đã có được dung dịch phân cá thành phẩm, bà Yến chắt 1 lít dung dịch pha với 300 lít nước để tưới dưới gốc hoặc pha với 400 lít nước để phun trên lá.
"Qua một thời gian thử nghiệm trên diện tích cây trồng của gia đình, tôi nhận thấy, nếu sử dụng các loại phân hóa học chỉ khoảng 10 ngày sau khi bón thì cây sẽ báo hiệu thiếu chất dinh dướng. Còn sử dụng phân bón xác cá thì sau 15 ngày cây vẫn phát triển tươi tốt. 1 điểm đặc biệt nữa là chi phí sản xuất phân bón cá thấp hơn rất nhiều so với phân hóa học mà hiệu quả lâu bền, năng suất cây trồng đạt hiệu quả cao", bà Yến lý giải.
Với việc duy trì bón phân cá, hơn 2 ha cây trồng của gia đình bà Yến gồm rau ngót, các loại cây ăn trái như chanh dây, na, ổi, vú sữa hoàng kim…luôn đạt năng suất, qua đó, mang lại thu nhập 100-200 triệu đồng/năm cho gia đình.
Theo bà Yến, việc sử dụng phân cá có để bón cho cây trồng có nhiều lợi ích. "Trong phân cá chứa khá nhiều axit amin, vitamin, khoáng chất và vi sinh vật có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Ngoài ra, loại phân này còn giúp đất đai tơi xốp, màu mỡ và giúp giải độc các chất nhiễm mặn có hại cho đất. Bên cạnh đó, phân đạm cá làm tăng sức đề kháng với dịch bệnh, giữ độ ẩm cao, tăng khả năng ra trái. Chính vì vậy, tôi luôn tự hào khi có nông sản sạch để dùng quanh năm", bà Yến chia sẻ.
Bà Đàm Kim Liên, Chủ tịch Hội nông dân xã Ia Peng cho hay: "Bà Trần Thị Hồng Yến là nông dân sản xuất tiêu biểu của xã. Địa phương khuyến khích người dân áp dụng mô hình này để tiết kiệm chi phí, lại mang lại nhiều lợi ích cho cây trồng, giá trị kinh tế cao hơn và người tiêu dùng sẽ an tâm vì nông sản sạch được bón hoàn toàn từ phân bón hữu cơ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.