Những đồi chè đẹp như mơ khiến dân "phượt" xôn xao, nông dân Phúc Khoa ở Lai Châu khấm khá

Bảo Anh Chủ nhật, ngày 04/09/2022 18:40 PM (GMT+7)
"Soán ngôi" cây ngô và lúa, cây chè đã giúp nhiều nông dân xã Phúc Khoa, huyện Than Uyên (Lai Châu) thoát nghèo, vươn lên làm giàu…
Bình luận 0

Clip: Trồng chè cây thấp ở xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) nông dân thoát đói nghèo, vươn lên làm giàu.

Nhờ trồng chè, nông dân Phúc Khoa xoá đói nghèo

Đưa chúng tôi đi thăm đồi chè rộng bao la, xanh mướt toả hương thơm ngát, ông Lò Văn Lục, Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) hồ hởi cho biết: Từ khi đưa vào thay thế những loại cây kém năng suất, cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã. Không chỉ dễ trồng, dễ chăm sóc, cây chè mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người dân.

Nhờ trồng chè mà nhiều hộ dân ở xã không chỉ thoát nghèo, mà còn từng bước vươn lên làm giàu. Không ít hộ dân trong xã thu cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Trồng bạt ngàn chè cây thấp đẹp như tranh, nông dân vùng cao Phúc Khoa khấm khá - Ảnh 2.

Cây chè hầu hết đã thay thế cho cây lúa và ngô, xã Phúc Khoa hiện giờ là một trong những xã đi đầu trong phong trào trồng chè phát triển kinh tế của huyện Tân Uyên, Lai Châu. Ảnh Bảo Anh

Qua lời kể của chủ tịch xã Lò Văn Lục, những năm 2000 trở về trước, Phúc Khoa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Uyên, số hộ nghèo chiếm trên 90%, đời sống của người dân bấp bênh, tình trạng đói ăn diễn ra phổ biến.

Ngày đó, bà con trông mong vào cây lúa và ngô, 2 loại cây trồng cho thu nhập chủ yếu nhưng năm được mùa thì mất giá, năm được giá lại mất mùa. Cái nghèo cứ bám riết lấy bà con, cuộc sống tưởng bế tắc, có hộ bỏ đất hoang, có hộ chuyển nghề làm thuê, vất vả quanh năm mà vẫn đói…

Trồng bạt ngàn chè cây thấp đẹp như tranh, nông dân vùng cao Phúc Khoa khấm khá - Ảnh 3.

Từ khi được đưa vào trồng thay thế các loại cây kém năng suất, chất lượng, cây chè đã chiếm vị thế quan trọng, là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của người dân xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu. Ảnh Bảo Anh

Chỉ tay vào những đồi chè xanh ngát, tươi tốt, ông Lục hồ hởi nói: Từ khi chuyển sang trồng chè đời sống của bà con khá hẳn, trồng chè mang lại thu nhập không những cao gấp 2 – 3 lần so với trồng ngô và lúa, đặc biệt còn cho thu nhập ổn định, nhờ đó bộ mặt nông thôn của xã cũng từng bước đổi thay, khang trang hơn.

Trong câu chuyện kể với chúng tôi những kỷ niệm buồn vui xen lẫn, với hàng trăm câu chuyện vận động người dân trồng chè, ông Lục cho biết: Người dân còn không biết cây chè ra sao, sản xuất ra bán thế nào, tại sao thế này? tại sao thế kia? Thậm chí có người còn doạ "nếu trồng chè mà vẫn đói thì đuổi cán bộ ra khỏi bản".

Trồng bạt ngàn chè cây thấp đẹp như tranh, nông dân vùng cao Phúc Khoa khấm khá - Ảnh 4.

Các cấp chính quyền xã Phúc Khoa và huyện Tân Uyên phải mất một thời gian rất dài đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động, bà con mới "ưng cái bụng" và làm theo. Ảnh Bảo Anh

Thu hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng chè

Gặp người phụ nữ đang nhanh tay hái chè, đôi tay thoăn thoắt cắt từng búp chè tươi mơn mởn, nhìn vào những búp chè ấy, chắc chắn bất kỳ ai đều hình dung ra một chén chè xanh thơm ngát và khó mà kìm lại háo hức để được thưởng thức.

Hỏi thăm mới biết, bà là Mai Thị Hoa, ở bản Nậm Bon, xã Phúc Khoa, huyện Than Uyên (Lai Châu). Trước đây, trên diện tích gần 1ha đất đồi, gia đình bà Hoa dùng để trồng ngô, vất vả hôm sớm nhưng cây ngô cho năng suất không cao, giá cả lại không ổn định, do đó thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình rất khó khăn.

Trồng bạt ngàn chè cây thấp đẹp như tranh, nông dân vùng cao Phúc Khoa khấm khá - Ảnh 5.

Gia đình bà Mai Thị Hoa, ở bản Nậm Bon, xã Phúc Khoa, huyện Than Uyên (Lai Châu) là một trong số những gia đình tiên phong đi đầu chuyển đổi cây trồng sang cây chè và có thu nhập khá từ bán chè cho HTX Phúc Khoa. Ảnh Bảo Anh

Cuối năm 1999, gia đình bà mạnh dạn chuyển từ trồng ngô sang trồng chè, thu nhập từ trồng chè đã giúp gia đình bà Hoa thoát hộ nghèo, đến nay gia đình bà đã là hộ khá giả của bản Nậm Bon. Chia sẻ với chúng tôi bà Hoa hồ hởi cho biết: Gần 1ha này, trước đây gia đình trồng ngô 2 vụ, nhưng năng suất thấp, bên cạnh đó nương ngô thường xuyên bị trâu bò phá hoại nên thu nhập không đáng là bao.

"Nghe theo tuyên truyền của cán bộ xã gia đình tôi mạnh dạn chuyển sang trồng chè, từ khi trồng chè, thu nhập của gia đình ổn định hơn trước rất nhiều. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng, đời sống được nâng cao, gia đình tôi có điều kiện mua sắm đồ dùng phục vụ cuộc sống", bà Hoa hồ hởi nói.

Trồng bạt ngàn chè cây thấp đẹp như tranh, nông dân vùng cao Phúc Khoa khấm khá - Ảnh 6.

Nhờ trồng chè nhiều hộ dân ở xã Phúc Khoa có thu nhập ổn định, trừ chi phí mỗi năm cũng tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng. Ảnh Bảo Anh

Nhận thấy giá trị kinh tế do cây chè mang lại, gia đình chị Vũ Thị Dần, bản Nậm Bon, xã Phúc Khoa, huyện Than Uyên (Lai Châu) cũng học tập làm theo. Hơn 5 nghìn mét vuông đất trước đây chuyên để trồng ngô, chị Dần cải tạo đất chuyển sang trồng chè.

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt điện tử, chị Dần cho biết: Trồng chè đỡ vất vả so với trồng ngô. Chúng tôi không phải lo đầu ra, sản phẩm chè được HTX bao tiêu, thu mua với giá ổn định, nhờ đó không chỉ gia đình tôi, mà hầu hết bà con trong xã đều yên tâm trồng chè.

Trồng bạt ngàn chè cây thấp đẹp như tranh, nông dân vùng cao Phúc Khoa khấm khá - Ảnh 7.

Toàn xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) hiện có hơn 500ha chè, trong đó trong đó chè kinh doanh chiếm 485ha. Ảnh Bảo Anh

Tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Phúc Khoa hiện có 6 nhà máy chế biến chè, các nhà máy đều cám kết thu mua sản phẩm chè cho các xã viên, nhờ đó các hộ dân trong xã không phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vàng Văn Chủng, Chủ nhiệm HTX Phúc Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, HTX cam kết bao tiêu sản phẩm cho các xã viên theo giá cố định 5,5 nghìn/kg.

Khi chè đến lứa thu hoạch, chúng tôi cử cán bộ kỹ thuật tới tận nương của bà con kiểm tra và hướng dẫn bà con thu hoạch đúng quy trình để đảm bảo chất lượng.

Trồng bạt ngàn chè cây thấp đẹp như tranh, nông dân vùng cao Phúc Khoa khấm khá - Ảnh 8.

Bên cạnh việc thu mua chè cho các xã viên, HTX Phúc Khoa còn hỗ trợ bà con thu hái, qua đó tạo được việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh Bảo Anh

Những năm gần đây, được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ nông nghiệp, người dân các bản trong xã Phúc Khoa tích cực tham gia, tạo nên phong trào trồng chè sôi nổi trên địa bàn. Diện tích chè của xã cũng nhờ đó mà không ngừng tăng lên, đến nay đạt hơn 500ha, trong đó chè kinh doanh chiếm 485ha.

Từ trồng chè thu nhập bình quân đầu người của xã (năm 2021) đạt trên 38 triệu/người/năm. Không chỉ giúp người dân có thu nhập khá, trồng chè còn giúp bà con có điều kiện tham gia xây dựng NTM, mình chứng rõ nhất Phúc Khoa là một trong những xã cán đích NTM đầu tiên của huyện Tân Uyên và đang trên đà phấn đấu xây dựng NTM nâng cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem