Theo nghiên cứu mới nhất của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc và Thái Lan, dẫn đầu bởi các chuyên gia từ Viện Thực vật học Côn Minh, Viện Khoa học Trung Quốc thì nấm Agaricus Brazil, hay còn gọi là nấm thái dương (có nguồn gốc ở Brazil) không chỉ ăn ngon, có giá trị dược tính rất quý mà còn có khả năng 'thanh lọc' đất trồng rất tốt trong canh tác khi có thể khôi phục năng suất của đất bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu.
Đất là điều kiện cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của các hệ sinh thái trên cạn. Chất lượng đất ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sinh trưởng của cây trồng, sản xuất lương thực và sức khỏe con người. Trên khắp thế giới, chất lượng đất nông nghiệp đang xấu đi do quản lý yếu kém và sử dụng quá nhiều hóa chất nông nghiệp. Ngoài ra, một số loại thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nông nghiệp tích tụ trong đất và hệ thống nước. Hiện nay, hai loại hóa chất nông nghiệp chính được sử dụng là hóa chất trừ sâu phospho hữu cơ và hoạt chất trừ sâu clo hữu cơ.
Mặc dù các hóa chất trừ sâu được cho là sẽ bị phân huỷ chủ yếu bởi các vi sinh vật trong đất nhưng điều đó vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi do đặc tính dễ hòa tan trong nước nên các hoạt chất trừ sâu vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ đối với các mạch nước ngầm, các sinh vật sống dưới nước và môi trường xung quanh. Xử lý sinh học bằng nấm, được gọi là xử lý vi mô, là một phương pháp công nghệ sinh học sáng tạo để làm sạch các chất gây ô nhiễm bằng cách hấp thụ hoặc khoáng hóa bởi các enzym nấm khác nhau. Sàng lọc các loài hoặc chủng vi sinh vật có chức năng là chìa khóa cho tính bền vững của quá trình xử lý vi sinh.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc trồng nấm trên các đồng ruộng có thể cải tạo đất nông nghiệp tối đa. Việc sử dụng phân trộn kết hợp với nấm Thái Dương làm tăng chất hữu cơ, nitơ, phốt pho và kali trong đất lớn hơn nhiều so với đất dù đã được 'khử trùng' nhưng bón phân hữu cơ thông thường.
Ngoài ra, kết quả cho thấy sợi nấm có khả năng phân hủy 44,68% hai hợp chất trừ sâu hay dùng trong nông nghiệp trong vòng 15 ngày. Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng việc trồng nấm Thái Dương có thể là một giải pháp thay thế bền vững cho việc phục hồi đất nông nghiệp đồng thời mang lại nguồn thu nhập bổ sung cho người nông dân.